'Đã xuất hiện tình trạng đói, thiếu đói do giãn cách ở các đô thị lớn'
Do ảnh hưởng Covid-19, nhiều lao động mất việc làm và thu nhập, có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa phương giãn cách xã hội.
Sáng 20.10, tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội. Ngọc Thắng
|
Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Dự báo chưa sát dẫn đến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đã đưa ra một số đánh giá riêng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số ngành, lĩnh vực cụ thể. Theo đó, dù dịch bệnh đã tạm thời được khống chế nhưng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, cần phải được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo, như: việc tổ chức tiêm vắc xin chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều tại các địa phương; xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp…
Dù Chính phủ đã cố gắng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, song Ủy ban Xã hội dự báo nhu cầu này trong thời gian tới vẫn rất lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội sẽ giảm dần. Do đó, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chính.
Theo Ủy ban Xã hội, một lo ngại lớn hiện nay là tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính 8 tháng năm 2021, đã có 85.508 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh, con số này không dừng lại mà tiếp tục gia tăng trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký.
Đã có 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực làm cho thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn. Một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động .
Vấn đề kinh tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội cần phải được quan tâm đúng mức. Trong đó, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Theo báo cáo của địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, riêng TP.HCM là hơn 1.500 trẻ mồ côi.
Dù Chính phủ đã kịp thời ban hành, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp an ninh xã hội nhưng còn gặp không ít khó khăn do người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện các thủ tục để nhận hỗ trợ; nhiều địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí...
“Nhiều lao động phi chính thức không có việc làm và thu nhập để bảo đảm cuộc sống; vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phản ánh là chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn”, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu rõ.
"Giấy đi đường" của Hà Nội vào báo cáo Quốc hội
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội cho rằng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đã khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản (bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Song, tại các địa phương có có nhiều lúng túng, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của T.Ư, có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng không phù hợp.
Mặt khác, có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test Covid-19 chỉ trong vòng một ngày, Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường…
Một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ nêu trên, theo Ủy ban Xã hội, là do Chính phủ chưa ban hành được chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Chính vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong đó có vấn đề phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Thái Sơn
Thanh niên
|