Cuộc sống bình thường ở Phnom Penh
Người Việt ở Phnom Penh chia sẻ cuộc sống đã gần trở lại bình thường trong bối cảnh Campuchia đạt độ phủ vaccine cao. Dù vậy, chính quyền và người dân đều giữ sự thận trọng.
“Mình đã tiêm 2 mũi và chuẩn bị tiêm mũi thứ 3”, chị Ngân, một người Việt định cư cùng gia đình tại Campuchia, trả lời phỏng vấn Zing.
Chị Ngân nằm trong số 99% người trưởng thành tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, tính tới ngày 24/10, theo Khmer Times.
Ở các nhóm tuổi khác, Campuchia cũng đạt độ phủ tiêm chủng cao: Hơn 90% trẻ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất mũi 1, trong khi con số này ở trẻ em từ 6 tới dưới 12 tuổi lên tới 100,33%.
Thành công trong chiến dịch tiêm chủng đã góp phần giúp cuộc sống tại Campuchia nói chung và thủ đô Phnom Penh nói riêng trở lại gần như bình thường, với số ca mắc mới mỗi ngày được giữ ở mức thấp trong thời gian qua, trong khi số bệnh nhân được điều trị đang có xu hướng giảm.
Cháu gái Thủ tướng Hun Sen tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 9, trong lúc Campuchia bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em 6-12 tuổi. Ảnh: AFP.
|
“Ở đây ai cũng tiêm chủng rồi”
“Phnom Penh có đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 kéo dài đến cuối tháng 5, trong thời gian đó mọi người làm việc tại nhà và không được đi lại”, chị Ngân nói. “Sau khi bỏ giãn cách từ cuối tháng 5, mọi người đã sinh hoạt bình thường trở lại. Siêu thị và các chợ dân sinh đều đã mở cửa hoạt động”.
Là một cộng tác viên sale và có kinh doanh riêng, chị Ngân chia sẻ giai đoạn phong tỏa không ảnh hưởng nhiều tới công việc và chỉ có chút khó khăn khi gặp khách hàng. “Mọi người khi ấy đều ý thức về bệnh dịch và sự ảnh hưởng của dịch nên rất hạn chế tiếp xúc”, chị kể.
“(Lúc này) mình rất muốn đi chơi để xả hơi sau thời gian Campuchia đóng cửa nhưng chưa sắp xếp được thời gian, một phần do công việc”, chị Ngân nói, thêm rằng việc đi lại liên tỉnh lúc này đã bình thường và không còn trở ngại.
Tương tự chị Ngân, chị Ling, một người cũng đang sống và kinh doanh đồ ăn vặt tại Phnom Penh, cho biết lúc này ra đường đã yên tâm hơn trước rất nhiều.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Phnom Penh vào ngày 31/5. Ảnh: AFP.
|
Sau chuỗi ngày ngõ phố chăng dây chống dịch, thủ đô Campuchia đã đông đúc trở lại. Dù vậy, Ling ít ra đường do đang mang thai 6 tháng.
“Bạn bè đã có thể gặp gỡ nhau bình thường, nhưng khi ra ngoài đường thì vẫn cần đeo khẩu trang”, chị Ling nói.
Khẩu trang không phải thứ duy nhất luôn nhắc nhở những người dân Phnom Penh như Ngân và Ling về sự hiện diện của Covid-19. Một số thói quen hình thành trong đại dịch vẫn còn tồn tại như quy trình đo nhiệt độ và xịt nước rửa tay mỗi khi vào đa số nơi công cộng.
Sau khi Campuchia gặt hái được thành công trong chương trình tiêm chủng, một thói quen khác cũng xuất hiện: Xuất trình chứng nhận đã tiêm ngừa Covid-19 trước khi vào các địa điểm đông người.
“Campuchia cấp thẻ tiêm vaccine, trên thẻ có mã QR để kiểm tra thông tin trên hệ thống Bộ Y tế”, chị Ngân giới thiệu. “Tấm thẻ này chỉ lưu thông tin tiêm, không có tính năng khác”.
Chị Ling, người cũng tiêm đủ 2 mũi trước khi mang thai, cho biết đa số địa điểm công cộng sẽ yêu cầu xuất trình thẻ tiêm chủng. “Người chưa tiêm không có thẻ xác nhận tiêm chủng nên đi đâu cũng khó”, chị nói.
Campuchia phát thẻ tiêm chủng cho người dân Mặt sau thẻ có mã QR để tra cứu thông tin chủ thẻ. Ảnh: NVCC.
|
Khi được hỏi xung quanh mình có bạn bè nào trong diện được tiêm nhưng không tiêm hay không, chị Ling trả lời “không có, ở đây ai cũng tiêm”.
Trong khi đó, chị Ngân cũng kể người cùng tuổi với chị đều đã tiêm chủng vì người không tiêm sẽ gặp hạn chế khi làm nhiều việc.
Chính quyền vẫn thận trọng
Tuy đa số cơ sở kinh doanh và địa điểm công cộng đã có thể mở cửa, chính quyền Phnom Penh chưa cho phép quán bar trong nhà, quán karaoke, rạp chiếu phim, xe buýt… được hoạt động trở lại, chị Ngân ngày 21/10 nói với Zing.
Skybar - dạng quán bar ở ngoài trời trên trên tầng thượng tòa nhà - là một trong những loại hình giải trí được phép mở cửa, cũng là nơi chị Ngân thường lui tới. Tại đây, khách hàng có thể bỏ khẩu trang sau khi vào bàn, vừa uống nước vừa thưởng thức khí trời, chị Ngân nói.
Phnom Penh vẫn áp dụng một số quy định hạn chế. Chẳng hạn, các quán ăn có thể bán rượu bia vào những ngày bình thường, nhưng vào ngày lễ sẽ bị giới hạn.
Ngày 8/10, một ngày sau khi kết thúc lễ Pchum Ben - lễ hội truyền thống lớn nhất hàng năm của Campuchia, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố có thể tái mở cửa toàn bộ nền kinh tế nếu tình hình dịch ổn định trong 10-15 ngày sau lễ. Ảnh: Reuters.
|
“Vừa qua là lễ Pchum Ben tại Campuchia, ngày lễ tương tự ngày 5/5 âm lịch của Việt Nam, mình đi ăn cùng gia đình ở một khu sinh thái”, chị Ngân kể lại. “Khi gọi bia, mình được nhân viên hỏi là rót vào phích trà hay ca nhựa vì hôm đó họ không bán nguyên chai hoặc lon”.
Theo chị Ngân, nhà chức trách có quy định như trên là vì muốn hạn chế người dân tụ tập ăn nhậu trong ngày lễ để chống dịch.
“Dù đã tiêm chủng, mình hạn chế đến nơi đông người vì còn con nhỏ 2 tuổi”, chị Ngân nói. “Nếu bị nhiễm, mình sẽ có kháng thể và có thể điều trị, nhưng trẻ con vẫn gặp nguy hiểm”.
Giống chị Ngân, chị Ling cũng chú ý giữ an toàn cho bản thân, bằng cách tự vệ sinh và xịt khuẩn thường xuyên.
Dù vậy, chị Ling vẫn không quá lo lắng vì cảm thấy ở Phnom Penh ít dịch và ai cũng đã chích ngừa. Chị chia sẻ có dự định đi du lịch trong tương lai, dù chưa biết vào thời điểm nào.
Đây cũng dường như là tâm lý của rất nhiều người tại Campuchia, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao và các hạn chế dần được dỡ bỏ.
“Tâm lý chung của mọi người là muốn sắp xếp đi du lịch ở tỉnh để xả hơi sau những ngày dịch bệnh căng thẳng”, chị Ngân kể. "Bạn bè mình đều đã đi chơi trong dịp lễ vừa qua".
Quốc Đạt
Zing.vn
|