Cổ phiếu FPT vượt đỉnh: Chân trời nào phía trước?
Sau một giai đoạn tập trung vào nhóm Mid Cap, dòng tiền đã quay trở lại nhóm cổ phiếu trụ. Theo đó, cổ phiếu FPT đã nhanh chóng hút dòng tiền và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử.
Tích lũy đủ lâu, giá cổ phiếu vượt đỉnh
Sau phiên giao dịch sáng ngày 13/10, giá cổ phiếu của CTCP FPT (HOSE: FPT) đạt mức 100,700 đồng/cổ phiếu, vốn hóa đạt 4 tỷ USD và là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 17 trên sàn HOSE.
Như vậy, trong gần 10 tháng, cổ phiếu này liên tục thiết lập vùng đỉnh mới và mang tỷ suất sinh lời lên tới 97% cho các nhà đầu tư mua và nắm giữ từ đầu năm 2021, một tỷ suất sinh lời tương đối hấp dẫn so với các cổ phiếu cơ bản niêm yết trên sàn.
Biểu đồ cổ phiếu FPT tiếp tục vượt đỉnh sau hơn 3 tháng tích luỹ
|
Sau 3 tháng tích lũy, cổ phiếu FPT vượt ngưỡng 100,000 đồng/cổ phiếu nhờ trợ lực từ dòng tiền, cùng một số câu chuyện nội tại của doanh nghiệp. Trước tiên, sau một giai đoạn dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (MidCaps), ngay khi nền kinh tế bước vào giai đoạn mở cửa, dòng tiền quay trở lại các cổ phiếu vốn hóa lớn (LargeCaps) với kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng và đón đầu cơ hội khi kinh tế hồi phục. Dòng tiền chuyển hướng đã thúc đẩy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng giá.
Bên cạnh đó, việc FPT nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC, khiến cổ phiếu này được nhận định sẽ đón sóng thoái vốn giai đoạn cuối năm, nhờ vậy sức hấp dẫn dòng tiền lớn hơn.
Chưa kể, FPT đang là doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, nhất là khi các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”. Đây sẽ là động lực chính cho đà tăng trưởng của các mảng kinh doanh cốt lõi của FPT như công nghệ thông tin, viễn thông. Từ đó, giới đầu tư tăng dự phóng kết quả kinh doanh trong báo cáo quý III/2021 và tương lai gần.
Đi tìm chân trời mới
8 tháng đầu năm 2021, FPT công bố doanh thu đạt 21,842 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 4,005 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19.2% và 19.8% so với cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch LNTT là 5,261 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành tới 76% chỉ tiêu năm 2021. Trong đó, 8 tháng đầu năm, doanh thu ký mới của mảng công nghệ tiếp tục tăng 38.2% và đạt 16,095 tỷ đổng.
CSI Securities đánh giá, mảng Công nghệ thông tin (CNTT) của FPT sẽ tăng tốc từ năm 2022 trở đi với tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm nhờ vào xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy bởi dịch Covid-19 khi nhu cầu áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh của các khách hàng tăng cao; các sản phẩm mới về chuyển đổi số hay gần đây nhất là thương vụ M&A với Base.vn sẽ giúp cho FPT có thêm lợi thế trong chiến lược phần mềm như dịch vụ (SaaS); hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của FPT sẽ tiếp tục khởi sắc khi FPT mở rộng thị trường hoạt động của mình hơn tại Bắc Mỹ với việc thâu tóm Intertec và tận dụng tối đa nguồn lực để tiết kiệm chi phí.
Đối với khối viễn thông, CSI Securities dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vẫn sẽ duy trì trong năm 2022 nhờ vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang các mảng mới có biên lợi nhuận lớn khoảng 32% như Data Center. Bên cạnh đó, FPT cũng đang rất tích cực đẩy mạnh mảng Internet băng thông rộng bằng việc mở rộng tệp khách hàng giúp thúc đẩy doanh thu.
Tại các lĩnh vực còn lại, CSI Securities kỳ vọng kết quả kinh doanh khởi sắc trong lĩnh vực thiết bị điện tử, bán lẻ kỹ thuật số, giáo dục…
Với những giả định trên, CSI Securities kỳ vọng giá cổ phiếu FPT có thể hướng tới mục tiêu 109,500 đồng/cổ phiếu, tăng thêm hơn 10% so với giá hiện tại.
Không riêng CSI Securities, nhiều công ty chứng khoán lớn cùng chung quan điểm kiến nghị mua cổ phiếu FPT với triển vọng tích cực.
Cụ thể, Chứng khoán SSI dự phóng giá cổ phiếu FPT là 112,500 đồng/cổ phiếu, tăng 13.6% so với giá hiện tại; Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng giá mục tiêu 112,800 đồng/cổ phiếu, tức tăng 13,9% so với giá hiện tại; hay ACBS dự phóng giá mục tiêu là 111,600 đồng/cổ phiếu, tăng 12.7% so với giá hiện tại…
Ngoài ra, giới đầu tư còn đánh giá cao sức khỏe tài chính của FPT khi là công ty sở hữu quỹ tiền mặt lớn, vay nợ thấp, là cổ phiếu có độ rủi ro thấp trước các biến động của thị trường chung. Cụ thể, tính tới 30/06/2021, FPT có đến 20,511 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 43.7% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng vay nợ chỉ ghi nhận 17,162 tỷ đồng, chiếm 36.5% tổng nguồn vốn.
Trong vòng 4 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh chính của FPT luôn duy trì dòng tiền dương từ 1,988 tỷ đồng đến 6,340 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm tạo ra 1,319 tỷ đồng. Chính vì luôn duy trì dòng tiền ổn định, công ty luôn thực hiện chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn hàng năm so với nhiều công ty niêm yết không chia cổ tức, hoặc chỉ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Với sức mạnh tài chính tốt, cổ tức tiền mặt đều hàng năm cho cổ đông và đặc biệt FPT đang bước vào giai đoạn kinh doanh tăng trưởng nhờ điều kiện “bình thường hoá mới”, dễ hiểu khi giới đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng cổ phiếu FPT chinh phục được các đỉnh cao mới trong tương lai.
FILI
|