Chuyên gia: Không thể trông chờ thu phí người đi ôtô để giảm ùn tắc
Nói về đề xuất lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội, chuyên gia đánh giá tính hiệu quả của phương án là không cao.
Sở GTVT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn xây dựng phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Đây là nội dung quan trọng để triển khai lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 được HĐND thành phố thông qua tháng 7/2017.
Theo chuyên gia về giao thông, ý tưởng thu phí các phương tiện cá nhân khu vực đô thị, trung tâm từng được một số thành phố lớn trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, con số này không nhiều vì tính hiệu quả không cao và đây chỉ được coi như giải pháp tình thế, ngắn hạn.
Thu phí thế nào để không gây bức xúc trong xã hội?
Theo TS Phan Lê Bình (chuyên gia lĩnh vực giao thông), việc xây dựng trạm thu phí của Hà Nội hướng đến giảm số lượng phương tiện lưu thông trong nội đô thông qua biện pháp về kinh tế.
Tức là, người dân phải cân nhắc chi phí để giảm tần suất chuyến đi, tìm cung đường khác, đổi sang phương tiện công cộng để đi vào nội thành hoặc thậm chí từ bỏ chuyến đi. Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra rằng hầu hết người có ôtô đều có mức thu nhập tương đối cao, phí sẽ không phải trở ngại quá lớn đối với họ.
Chuyên gia cho rằng việc thu phí phương tiện vào nội đô chỉ là giải pháp tình thế. Ảnh: Hoàng Đông.
|
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đây là kế hoạch có tác động rất lớn đến đời sống người dân và nhiều quan hệ kinh tế - xã hội khác. Sở GTVT Hà Nội và đơn vị liên quan phải có đánh giá kỹ tác động, có thí điểm, thử nghiệm chi tiết về mức độ hiệu quả của chính sách.
"Mức phí phải đáp ứng được 2 việc. Thứ nhất là đủ cao để người dân phải cân nhắc thay đổi phương tiện hoặc từ bỏ chuyến đi. Thứ hai là không nên quá cao vì sẽ gây bức xúc, tạo tâm lý ức chế, tiêu cực trong xã hội", TS Lê Bình nói.
Ông Bình cũng lưu ý rằng việc thu phí chỉ giúp hạn chế phương tiện đi từ ngoài vào, gần như không tác động đến điểm ùn tắc sẵn có do các phương tiện trong nội thành lưu thông.
"Tôi chưa thấy Sở GTVT chưa đưa ra đánh giá, dự báo về số lượng phương tiện giảm được nếu áp dụng thu phí. Và với lộ trình được đưa ra thì mức độ hiệu quả được tính toán ra sao. Rất khó để nói phương án này có khả thi hay không thời điểm này", vị chuyên gia cho hay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT), cho rằng tính hiệu quả, khả thi của kế hoạch vẫn là dấu hỏi lớn.
"Điều tôi lo ngại là việc bỏ nguồn vốn lớn ra đầu tư xây dựng trạm thu phí, lặp đặt công nghệ nhân dạng biển, thu phí không dừng có đáp ứng được hiệu quả như kỳ vọng không. Câu chuyện thu phí phương tiện đã được đặt ra cách đây vài năm, nhưng không thể triển khai, liệu lần này có khác không", ông Thụ nói.
Khó mong chờ giảm ùn tắc chỉ bằng thu phí
Theo phương án được Sở GTVT đưa ra, vị trí các trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín.
Đối tượng chịu phí là ôtô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí gồm: Ôtô con cá nhân; taxi; xe tải và ôtô khách thương mại. Thời gian thu phí xe vào nội thành từ 5h đến 21h, mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm sẽ có sự khác biệt.
Về lộ trình, việc thu phí dự kiến theo 3 giai đoạn, gồm 2021-2025: Nghiên cứu, hoàn thiện đề án; 2025-2030: Thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: Xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể vận hành sau hơn 10 năm xây dựng. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Khi nhìn vào phương án Sở GTVT Hà Nội đưa ra, chuyên gia đều đồng tình đây không phải mấu chốt để TP giải quyết bài toán giao thông nhức nhối ở thủ đô. Việc thu phí có thể giúp giảm lượng phương tiện vào nội đô, nhưng giảm ùn tắc chỉ bằng thu phí gần như là không tưởng.
"Tôi cho rằng nếu có hiệu quả, thì lượng phương tiện giảm được cũng không quá 5%. Hầu hết người dân ra đường đều vì công việc, không ai đi chơi vào giờ cao điểm cả. Vậy áp dụng phí để người dân từ bỏ chuyến đi gần như không thể, trong khi việc sử dụng phương tiện công cộng vẫn quá bất tiện và mất thời gian", ông Lê Bình đánh giá.
Ông Bình cho rằng trong 10 năm nữa, việc giảm ùn tắc giao thông không thể trông chờ vào biện pháp mang tính tình thế mà cần từ công tác quy hoạch, phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông tĩnh và phương tiện công cộng.
"TP nên tập trung làm cho xong những công trình giao thông trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề một cách hệ thống thay vì tính đến các phương án tình thế. Nếu có hệ thống giao thông công cộng đủ tốt, người dân sẽ tự từ bỏ xe máy, ôtô mà không cần đến phí", ông Bình nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ thì cho rằng việc thu phí phương tiện vào nội đô có thể coi như bước đệm để giải quyết các vấn đề trước mắt. Ông cho rằng TP có thể sử dụng số tiền thu được từ các trạm thu phí để tái đầu tư cho các dự án giao thông nhưng cốt lõi vẫn phải là tăng tỷ lệ diện tích cho giao thông và đưa các tuyến đường sắt đô thị vào vận hành.
Trước đó ý tưởng thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội đã được đưa ra nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. Hà Nội đã báo cáo Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện đề án.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến cấp có thẩm quyền cho phép TP Hà Nội xây dựng đề án.
|
Sơn Hà
Zing.vn
|