Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc lập đỉnh 26 năm
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9/2021 của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng nhất trong gần 26 năm, qua đó càng củng cố thêm cho rủi ro lạm phát trên toàn cầu và có thể buộc các doanh nghiệp phải chuyển phần tăng chi phí cho người tiêu dùng.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 10.7% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 11/1995, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong ngày 14/10. Con số này vượt ước tính tăng 9.5% trong tháng 8 và cao hơn cả ước tính tăng 10.5% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 0.8% của tháng trước.
Đà tăng của PPI chủ yếu đến từ sự nhảy vọt của giá than và các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng, theo NBS. Giá than tăng vọt và các biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng đã dẫn tới tình trạng thiếu điện và khiến Chính phủ phải thực hiện luân chuyển điện. Nhiều nhà máy ở hơn 20 tỉnh thành đã phải tạm ngưng sản xuất trong tháng 9 vì thiếu điện.
Giá của các hàng hóa khác như dầu thô cũng tiếp tục leo dốc, với chỉ số hàng hóa của Bloomberg tăng 5% trong tháng 9.
Áp lực chuyển chi phí cho người tiêu dùng ngày càng tăng
“Với khoảng cách ngày càng rộng giữa PPI và CPI, áp lực chuyển chi phí từ lĩnh vực thượng nguồn xuống hạ nguồn đang ngày càng tăng”, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho hay.
Giữa lúc hợp đồng than tương lai lập kỷ lục và Chính phủ Trung Quốc tự do hóa giá điện, áp lực lạm phát có thể tiếp diễn và bắt đầu gia tăng chi phí cho người tiêu dùng. Nomura Holdings ước tính giá điện cao hơn có thể đẩy lạm phát tiêu dùng thêm 0.4 điểm phần trăm trước quý 3/2022.
Khoảng cách giữa PPI và CPI đã tăng lên 10 điểm phần trăm trong tháng 9/2021, từ mức 8.7% trong tháng 8. Đây là khoảng cách rộng nhất kể từ năm 1993.
Hiện có dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất bắt đầu chuyển phần tăng chi phí cho người tiêu dùng: Tuần này, nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch nâng giá sản phẩm. Ít nhất 13 công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục thông báo nâng giá trong năm nay để giải quyết đà tăng của chi phí và sự thắt chặt nguồn cung, tờ China Securities Journal đưa tin trong ngày 14/10.
“Khoảng cách ngày càng nới rộng giữa hai thước đo lạm phát của Trung Quốc – với PPI ngày càng tăng trong khi CPI hạ nhiệt trong tháng 9 – cho thấy căng thẳng ngày càng tăng trong nền kinh tế. Thế nhưng, với NHTW Trung Quốc, họ vẫn đang tập trung hỗ trợ cho tăng trưởng. Và mức CPI thấp cho họ nhiều khoảng trống để hỗ trợ thị trường”, David Qu, Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Bloomberg, cho hay.
Lạm phát cao hơn đi đôi với một nền kinh tế đang suy yếu đã làm dấy lên nỗi lo về tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) ở Trung Quốc, đồng thời làm xáo trộn triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng NHTW hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy thanh khoản trong nền kinh tế.
“Chúng tôi nghĩ rủi ro xảy ra tình trạng lạm phát đình đốn đang ngày càng tăng ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”, Zhang Zhiwei, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho hay. “Áp lực lạm phát dai dẳng giới hạn khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ”.
Góp phần giúp CPI không tăng mạnh là đà lao dốc của giá thịt heo. Chỉ số giá thực phẩm giảm 5.2% so với cùng kỳ, giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số CPI khi loại trừ thực phẩm tăng 2% so với cùng kỳ. Chỉ số lạm phát lõi – loại trừ năng lượng và thực phẩm – giữ nguyên ở mức 1.2%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|