Trả lãi cao, tặng túi Gucci: Đủ “chiêu” hút nhà đầu tư của Evergrande
Hàng chục nghìn nhà đầu tư đã đổ tiền vào những sản phẩm quản lý gia sản (wealth management products) thông qua Evergrande, để rồi nhận lấy cái kết "đắng"...
Một dự án còn dang dở của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc hôm 15/9 - Ảnh: Reuters.
|
Bị hấp dẫn bởi lời hứa lợi tức lên tới gần 12% và những món quà như máy lọc không khí Dyson hay túi xách Gucci, cộng thêm sự đảm bảo của công ty bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, hàng chục nghìn nhà đầu tư đã đổ tiền vào những sản phẩm quản lý gia sản (wealth management products) thông qua Evergrande.
Giờ đây, theo hãng tin Reuters, nhiều người trong số này đang lo sợ không thể lấy lại được tiền, vì Evergrande – công ty địa ốc đang chìm sâu trong khủng hoảng nợ - gần đây đã dừng thanh toán cho một số nhà đầu tư và khiến thị trường tài chính toàn cầu “toát mồ hôi” vì nguy cơ đổ vỡ.
LỜI HỨA KHÔNG BIẾT KHI NÀO ĐƯỢC THỰC HIỆN
Một số nhà đầu tư đã đến biểu tình tại văn phòng của Evergrande, từ chối kế hoạch mà công ty này đưa ra về trả nợ bằng các sản phẩm giảm giá gồm: căn hộ, văn phòng, kiosk và chỗ đậu xe. Evergrande đã bắt đầu triển khai phương thức thanh toán nợ như vậy cho nhà đầu tư bắt đầu từ hôm thứ Bảy tuần trước.
“Tôi mua sản phẩm quản lý gia sản từ các nhà quản lý bất động sản của Evergrande, sau khi xem quảng cáo trong thang máy. Tôi tin tưởng Evergrande vì họ là một công ty trong danh sách Fortune Global 500”, một nhà đầu tư họ Du ở Quảng Đông kể với hãng tin Reuters.
Ông Du có một căn nhà trong một dự án của Evergrande và năm ngoái, ông bỏ ra 650.000 Nhân dân tệ (100.533 USD) để mua sản phẩm quản lý gia sản với lãi suất hơn 7%/năm của Evergrande. “Thật là phi đạo đức nếu Evergrande không trả lại số tiền mà tôi khó nhọc mới kiếm được”, nhà đầu tư này bất bình nói.
Hơn 80.000 người - bao gồm nhân viên Evergrande, người thân và bạn bè của họ, cũng như những người sở hữu bất động sản Evergrande – đã mua sản phẩm quản lý gia sản với tổng trị giá hơn 100 tỷ Nhân dân tệ từ công ty này trong 5 năm qua, theo một trưởng phòng kinh doanh của Evergrande Wealth. Đây là công ty con ra đời năm 2016 với tư cách một nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến mà ban đầu Evergrande dùng để rót vốn cho các dự án bất động sản của công ty.
Trưởng phòng kinh doanh này tiết lộ rằng hiện công ty còn nợ nhà đầu tư 40 tỷ Nhân dân tệ trong tổng số vốn đã huy động nói trên. Evergrande đã cam kết sẽ thanh toán cho nhà đầu tư mua sản phẩm quản lý gia sản của công ty, nhưng chưa rõ lời hứa này bao giờ sẽ được thực thi và thực thi như thế nào.
Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế. Điều này đã khiến nhiều công ty nước này tìm đến những phương thức huy động vốn không cần đưa vào bảng cân đối kế toán.
Sau khi Bắc Kinh tiếp tục siết hoạt động vay nợ của các công ty phát triển địa ốc vào năm ngoái, những doanh nghiệp bất động sản nặng nợ nhất của Trung Quốc như Evergrande cảm thấy sức ép lớn hơn phải tìm những nguồn vốn mới để giải toả áp lực vốn ngày càng gia tăng. Họ quay sang nhân viên, nhà cung cấp, và khách hàng - xem những đối tượng này là nguồn vốn để huy động bằng thương phiếu, quỹ uỷ thác và các sản phẩm quản lý gia sản.
Evergrande Wealth bắt đầu bán sản phẩm quản lý gia sản cho nhà đầu tư cá nhân vào năm 2019, sau một cuộc siết chặt quy chế giám sát dẫn tới sự sụp đổ của lĩnh vực cho vay ngang hàng ở Trung Quốc – vị trưởng phỏng kinh doanh của Evergrande và một nhân viên Evergrande đã mua sản phẩm quản lý tài sản của công ty cho hay.
LÃI SUẤT CAO, QUÀ TẶNG HẤP DẪN, VÀ THƯ CẦU CỨU
Để thu hút nhà đầu tư, vị trưởng phòng kinh doanh đã chào mời khách hàng bằng những món quà như máy lọc không khí Dyson và túi xách Gucci cho mỗi khách mua hơn 3 triệu Nhân dân tệ sản phẩm quản lý gia sản trong đợt khuyến mãi dịp Giáng sinh năm ngoái.
Một tờ rơi giới thiệu sản phẩm mà trưởng phỏng kinh doanh này cho phóng viên Reuters xem, cho thấy sản phẩm quản lý gia sản của Evergrande được phân loại là sản phẩm thu nhập cố định (fixed-income) phù hợp cho “các nhà đầu tư thận trọng muốn có lợi nhuận ổn định”.
Ở hai sản phẩm quản lý gia sản được bán vào tháng 11 năm ngoái, một công ty xây dựng có tên Qingdao Lvye International Construction ở Thanh Đảo đã đặt mục tiêu huy động tới 10 triệu Nhân dân tệ với lãi suất 7%/năm ở một sản phẩm và 20 triệu Nhân dân tệ với lãi suất từ 7,8-9,5%/năm ở sản phảm thứ hai tuỳ thuộc vào mức vốn mà nhà đầu tư bỏ ra. Mức đầu tư tối thiểu tương ứng với hai sản phẩm này là 100.000 Nhân dân tệ và 300.000 Nhân dân tệ.
Evergrande cũng thường đưa ra mức lợi tức tăng thêm 1,8% đối với một số nhà đầu tư nhất định, dẫn tới mức lợi tức có thể vượt 11% đối với một khoản đầu tư thời hạn 12 tháng - vị trưởng phỏng kinh doanh tiết lộ.
Tiền để thanh toán cho những sản phẩm này khi đáo hạn sẽ đến từ thu nhập của đơn vị phát hành sản phẩm hoặc từ Evergrande Internet Information Service (Shenzhen) Co, một chi nhánh vận hành Evergrande Wealth và cam kết trả cả gốc lẫn lãi nếu một công ty phát hành mất khả năng thanh toán – theo tài liệu về sản phẩm.
Vị trưởng phòng kinh doanh cho biết công ty xây dựng ở Thanh Đảo làm dự án cho Evergrande và dùng tiền do Evergrande thanh toán sau khi hoàn thiện dự án để trả lại cho nhà đầu tư mua sản phẩm quản lý gia sản nói trên.
“Về bản chất, đây là sản phẩm của Evergrande”, vị này nói.
Các doanh nghiệp có mức độ sử dụng đòn bẩy lớn khác của Trung Quốc - như HNA Group, công ty tuyên bố phá sản hồi năm ngoái, và China Baoneng – cũng sử dụng những sản phẩm tương tự để huy động vốn.
Trong đơn kêu cứu gửi nhiều cơ quan chính phủ, một nhóm nhà đầu tư sản phẩm quản lý gia sản ở Quảng Đông cáo buộc Evergrande sử dụng không đúng mục đích số tiền huy động được, lẽ ra số tiền này phải được chuyển đến các nhà phát hành để rót vào dự án. Nhà đầu tư cáo buộc Evergrande không công bố đầy đủ thông tin về rủi ro.
Đơn kêu cứu cũng nói họ bị lừa dối bởi tầm cỡ của Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn, nhắc đến việc ông ngồi ở vị trị nổi bật trong lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc hồi năm 2019. “Nhà đầu tư tin tưởng Evergrande và mua các sản phẩm quản lý gia sản của Evergrande với tình yêu và niềm tin vào Đảng và Chính phủ”, lá thư kêu cứu có đoạn viết.
An Huy
VnEconomy
|