Thu hồi được 2.000 tỉ trong 33.000 tỉ thiệt hại từ các vụ án tham nhũng
Báo cáo của Chính phủ cho hay, tổng số tiền, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng đang giải quyết là 33.000 tỉ đồng nhưng mới thu hồi được 2.000 tỉ đồng.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp là vấn đề được nhắc đến từ lâu song chưa có cải thiện đáng kểTN
|
4 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 350 triệu đồng
Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung báo cáo đánh giá trong năm 2021 (kỳ báo cáo từ 1.10.2020 - 31.7.2021), công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, “có mặt cao hơn năm trước”.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương “không để công việc trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”.
Về kết quả, báo cáo của Chính phủ cho hay, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tăng cường triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm qua, các bộ, ngành địa phương đã tiến hành 3.108 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 276 vụ việc và 376 người vi phạm; đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỉ đồng, thu hồi được 43 tỉ đồng.
Có 4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; 2 người bị xử lý do có vi phạm thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ.
Các cấp, các ngành cũng đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của 26.576 lượt cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Đã có hơn 1,28 triệu người kê khai tài sản, thu nhập. Số bản kê khai đã hoàn thành công khai đạt tỷ lệ 99% số đã kê khai.
Có 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật.
Phát hiện vi phạm về kinh tế 47.206 tỉ đồng, 2.088 ha đất
Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo, báo cáo của Chính phủ cho hay, qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 47.206 tỉ đồng, 2.088 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.530 tập thể, 2.165 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 161 vụ, 93 đối tượng.
Qua đôn đốc việc thực hiện 3.142 kết luận thanh tra, các cơ quan chức năng đã thu hồi 9.709 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 67%), 74 ha đất; xử lý hành chính 774 tổ chức, 2.104 cá nhân; khởi tố 8 vụ, 11 đối tượng.
Bên cạnh đó, qua giải quyết 17.240 vụ việc khiếu nại, tố cáo ở các cấp đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 13,49 tỉ đồng; 6,59 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 95,79 tỉ đồng; 41,36 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 1.070 cá nhân; kiến nghị xử lý 568 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 12 vụ, 17 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 101.379,5 tỉ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan điều tra để xử lý.
Về xử lý hành vi tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho hay, các cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 478 vụ án, 1.051 bị can phạm tội về tham nhũng.
Trong đó, khởi tố mới 282 vụ, 536 bị can (giảm 4 vụ, 70 bị can so với cùng kỳ năm trước); thiệt hại hơn 628 tỉ đồng; thu hồi tài sản trong các vụ án đang thụ lý trên 503 tỉ đồng (bao gồm tiền mặt, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản…).
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 186 vụ, với 440 bị cáo về các tội tham nhũng.
Trong số 440 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 20 bị cáo.
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho biết, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33.000 tỉ đồng. Tới thời điểm báo cáo, đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là hơn 2.000 tỉ đồng.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp so với tài sản bị chiếm đoạt
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Báo cáo cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn tư tưởng lo ngại đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm” sự phát triển.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; qua thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu tội phạm, nhưng số vụ việc chuyển cơ quan chức năng để xử lý còn ít; vẫn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.
Báo cáo cũng nhận định, việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại. Vẫn còn có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Lê Hiệp
Thanh niên
|