Thứ Ba, 21/09/2021 16:21

PGS Nguyễn Huy Nga: Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã qua đỉnh

PGS Nguyễn Huy Nga dự đoán số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM và cả nước nói chung đang giảm, tuy nhiên, để đưa về trạng thái Zero Covid-19 là không thể.

dịch Covid-19 bùng phát lần 4 ảnh 1

Gần 150 ngày kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, cả nước ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, đưa Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ về số lượng F0 tính theo tỷ lệ ca nhiễm/một triệu dân.

Theo đồ thị ca nhiễm, số F0 cao nhất tại Việt Nam được ghi nhận trong thời gian từ 26/8 đến 12/9. Trong ngày 20/9, số F0 còn 8.668, thấp nhất một tháng qua.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết nhờ đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, số ca F0 tại Việt Nam đang giảm.

Đỉnh dịch đã qua

- Số ca F0 cả nước đang giảm trong nhiều ngày qua, nhất là điểm nóng như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương. Vậy đỉnh dịch tại Việt Nam trong đợt bùng phát này đã qua chưa, thưa ông?

- Theo biểu đồ về số lượng ca nhiễm mới hiện nay theo công bố hàng ngày của Bộ Y tế, chúng ta có thể thấy có lẽ đã qua đỉnh dịch rồi.

Để đạt được điều này là nhờ thực hiện đồng loạt các biện pháp chống dịch cao nhất, từ việc tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều chiến lược giãn cách, khoanh vùng, cách ly phù hợp. Đặc biệt là giải pháp không tập trung cách ly F0, cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

dịch Covid-19 bùng phát lần 4 ảnh 2
Người dân phường An Lạc (quận Bình Tân) chờ từ chiều đến tối muộn để được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, thời điểm cuối tháng 6. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài ra, còn có chiến lược phân tầng điều trị phù hợp như tại Bình Dương, TP.HCM. Bên cạnh đó, khi virus đã lây lan đến mức độ nhất định thì dịch cũng dần giảm.

Tôi nói riêng TP.HCM, đỉnh dịch có lẽ đã qua cách đây khoảng 10 ngày. Đó là giai đoạn thành phố lên đến hơn 8.000 ca/ngày. Hiện tại, dịch xuôi dần lại, số ca tử vong cũng đã giảm hơn.

Theo tôi, có lẽ đến đầu tháng 10, số ca F0 sẽ giảm tiếp. Tất nhiên là ở những khu vực đông dân khác, số lượng người chưa tiêm vaccine sẽ có nguy cơ bùng phát.

- Ông đánh giá tình hình tại 2 điểm nóng hiện nay là TP.HCM và Hà Nội thế nào?

- Tại TP.HCM, theo tôi dịch đã thực sự giảm và đến cuối tháng 9, tình hình sẽ ổn định dần. Nguyên nhân là tỷ lệ tiêm chủng ở thành phố này đã rất cao.

Còn ở Hà Nội thì chưa thể xác định được đỉnh dịch vì lúc này sự lây nhiễm vẫn còn âm thầm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp chống dịch, nếu tận dụng được cơ hội này mà phủ nhanh vaccine thì khả năng bùng phát dịch sẽ rất thấp.

Theo biểu đồ về số lượng ca nhiễm mới hiện nay theo công bố hàng ngày của Bộ Y tế, chúng ta có thể thấy có lẽ đã qua đỉnh dịch.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Tuy nhiên, tôi cho rằng các chuyên gia về dịch tễ cần tham vấn cho địa phương về đặc điểm dịch tễ dựa vào số liệu, từ đó tổng kết ưu, khuyết điểm trong đợt dịch, lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong cao, tại sao nhiều biện pháp được sử dụng mà dịch vẫn tăng cao.

Để đánh giá được vấn đề này, các địa phương phải có số liệu cụ thể thì nhà dịch tễ mới có thể có căn cứ để tổng kết.

- Liệu chúng ta có thể đưa cả nước trở về giai đoạn Zero Covid-19 như giai đoạn trước?

- Việc xác định đỉnh dịch mang tính chất tương đối nhưng cũng là căn cứ để chúng ta dự đoán được tình hình, từ đó có quyết sách phù hợp. Tuy nhiên, với biến chủng Delta, hy vọng đưa cả nước về Zero Covid là điều không thể.

dịch Covid-19 bùng phát lần 4 ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: T.D.

Nguyên nhân là sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác khiến dịch âm thầm lây lan cho đến khi có miễn dịch cộng đồng. Do đó, chúng ta không thể tìm hết F0 được. Kể cả người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn có thể mang virus (Breakthrough infection).

Việc đưa cả nước về trạng thái Zero Covid rất khó, chỉ có thể đạt được ở những địa phương chưa có dịch như Cao Bằng và các huyện miền núi. Còn tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, sự lây lan chỉ giảm dần.

Khi cả nước có độ bao phủ vaccine tương đối, Covid-19 có thể sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm lưu hành trong cộng đồng như một số loại cúm, sốt xuất huyết, HIV…, có thể tỷ lệ tử vong vẫn còn nhưng ít đi, ca nhiễm vẫn sẽ phát sinh lai rai.

Giải pháp chống dịch trong giai đoạn mới

- TP.HCM cân nhắc việc mở cửa trở lại, tuy nhiên, với số ca nhiễm nhiều như hiện nay, điều này có mạo hiểm?

- Nguyên nhân dẫn đến sự lây nhiễm rất cao của TP.HCM là hệ quả của hàng loạt đợt tập trung đông đúc, từ việc tập trung đông đúc F1 dẫn đến sự lây nhiễm do quá tải, tập trung tiêm chủng, tập trung xét nghiệm cộng đồng…

Trong khi đặc thù của thành phố là nhiều con hẻm nhỏ, đông đúc. Việc giãn cách xã hội được thực hiện bên ngoài nhưng trong các ngõ hẻm không nghiêm túc.

dịch Covid-19 bùng phát lần 4 ảnh 4
Shipper xếp hàng hàng trăm mét để chờ xét nghiệm Covid-19 sáng 20/9. Ảnh: Duy Hiệu.

Các chuỗi lây nhiễm này từ đó tiếp tục lây lan theo cấp số nhân. Do đó, kết quả xét nghiệm chỉ là phần tảng băng nổi. Tuy nhiên, dịch sẽ lây lan mức độ nhất định sẽ giảm dần, đó là quy luật của dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc cân nhắc mở cửa để trở lại cuộc sống bình thường mới, phục hồi nền kinh tế là điều cần thiết.

- Trở lại cuộc sống bình thường mới trong tình huống số ca nhiễm vẫn rất cao trong cộng đồng, điều này có nguy hiểm?

- Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì dịch sẽ thật sự giảm nhưng không thể hoàn toàn hết dịch được. Chúng ta cũng không thể cầu toàn. Giãn cách xã hội đã quá lâu, đã đến lúc cần tạo điều kiện để nới rộng giãn cách, đi lại tự do, phục hồi kinh tế.

Còn mục tiêu chống dịch vẫn thực hiện song song, xét nghiệm có trọng tâm và điều trị sớm, tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, phủ vaccine toàn bộ và mua thuốc điều trị tốt để giảm tử vong.

- Trong tình hình mới, những biện pháp phong tỏa, cách ly diện rộng, chốt chặn có lẽ không còn phù hợp, liệu chúng ta có giải pháp nào trong bối cảnh mới?

- Chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng bùng phát ở điểm nào thì phong tỏa, cách ly diện hẹp chứ không phải diện rộng như trước đây để không gây ảnh hưởng khu vực khác.

Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì dịch sẽ thật sự giảm nhưng không thể hoàn toàn hết dịch được.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Về quy định chống dịch, có lẽ đến lúc chúng ta cân nhắc thay đổi các tiêu chí về cách ly, phong tỏa. Các quy định theo chỉ thị 15, 16, 19 cần thay đổi lại, thậm chí, xem xét Covid-19 có còn là dịch bệnh “tối nguy hiểm” hay chỉ là “nguy hiểm” theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, từ đó cân nhắc biện pháp thích hợp.

Dịch bệnh “tối nguy hiểm” hay đặc biệt nguy hiểm bệnh truyền nhiễm nhóm A. Lúc này, chỉ một ca bệnh phát sinh sẽ được xem như ổ dịch, toàn hệ thống được kích hoạt, công tác cách ly, xét nghiệm, kiểm dịch chặt chẽ.

Còn bệnh “nguy hiểm” là bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự dịch cúm, HIV, sốt xuất huyết… Trong quá khứ, chúng ta từng xem đây là những căn bệnh rất nguy hiểm, nhưng dần dần khoa học đã có biện pháp, người nhiễm HIV hay phong..., vẫn hòa nhập cộng đồng.

Hiện chúng ta đã hiểu rõ hơn về chủng virus SARS-CoV- gây bệnh Covid-19, đường lây truyền, cách phòng bệnh, cách điều trị của bệnh này. Do đó, chúng ta cần phải bình tĩnh và biết cách phòng chống virus này chứ không cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp như trước đây, khi chủng này còn được xem là virus gây bệnh viêm phổi lạ.

Bích Huệ

ZING

Các tin tức khác

>   Phú Quốc phát hiện 10 F0 khi vừa áp dụng trạng thái bình thường mới (21/09/2021)

>   Từ 22/9 đến 30/9, doanh nghiệp giao nhận sẽ tự xét nghiệm shipper (21/09/2021)

>   Ký hợp đồng mua 5 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba (21/09/2021)

>   Khoảng 2 triệu dữ liệu tiêm chủng COVID-19 chưa được cập nhật (21/09/2021)

>   Một số tỉnh, thành nới lỏng giãn cách (21/09/2021)

>   Thẻ xanh COVID là điều kiện buộc có để đi làm, đi chợ (20/09/2021)

>   Bộ Y tế cho phép điều chỉnh thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca phù hợp (20/09/2021)

>   Thêm 8.681 bệnh nhân COVID-19, Việt Nam ghi nhận số ca thấp nhất trong 1 tháng (20/09/2021)

>   TP.HCM: Gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 sẽ được triển khai như thế nào? Ai được nhận? (20/09/2021)

>   Từ 1-10, người dân TP.HCM đến cơ quan nhà nước phải tiêm đủ 2 mũi vaccine (20/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật