Nghiên cứu chính sách hỗ trợ người lao động phù hợp với đặc thù các tỉnh phía nam
Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐTB&XH tại các tỉnh phía nam đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐTB&XH thăm hỏi người dân gặp khó khăn tại các tỉnh thành phía nam - Ảnh: Bộ LĐTB&XH
|
Ngày 22/9, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐTB&XH họp sơ kết, đánh giá kết quả công tác sau 2 tháng hoạt động (từ 19/7 đến 20/9).
Trưởng Đại diện văn phòng Bộ LĐTB&XH tại phía nam, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác đặc biệt Phạm Anh Thắng cho biết từ ngày thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên cập nhật việc hỗ trợ tại các tỉnh thành phía nam để đưa ra những kiến nghị nhằm gỡ khó cho từng địa phương. Cùng với đó, Tổ liên tục đôn đốc lãnh đạo các Sở LĐTB&XH đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19.
Tại TPHCM, đến nay công tác an sinh đã cơ bản được đảm bảo; kịp thời giải quyết các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, người lao động.
Theo đó, Thành phố đã hỗ trợ được gần 1,8 triệu túi an sinh, mỗi túi 300.000 đồng; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền 329 tỷ đồng; cơ bản triển khai xong gói hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố cho các lao động tự do, đến nay đã chi trên 5.418 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TPHCM đã cấp phát xong 14.500 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân trong đợt đầu, chuẩn bị tiếp nhận đợt 2 với 56.605 tấn còn lại (trong tổng số 71.105 tấn gạo Chính phủ cấp hỗ trợ).
Ông Phạm Anh Thắng cũng cho biết TPHCM đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị chi hỗ trợ đợt 3 cho hơn 7,5 triệu người mất việc, mất thu nhập, hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn đang có mặt tại địa phương, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Các tỉnh, thành phố phía nam đều coi trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID - 19, do đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ đi đôi với việc chuẩn bị nguồn ngân sách và chú trọng vận động xã hội hóa các nguồn lực thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp. Số đối tượng được nhận hỗ trợ ngày càng được phủ rộng hơn.
Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68, Quyết định 23 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Đề nghị các địa phương có giải pháp tăng cường tiêm vaccine cho công nhân lao động làm việc tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp... để đảm bảo điều kiện làm việc trong tình hình mới.
Tổ công tác đề nghị các tỉnh, thành phía nam cần chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm đảm bảo cho người dân duy trì cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng, thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục bám sát nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng theo dõi tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm; khảo sát đánh giá nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Từ đó, kịp thời tham mưu với Bộ để ban hành chính sách phù hợp khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.