Miễn, giảm thuế cần công bằng
Bốn nhóm giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thể hiện sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Xung quanh các nhóm giải pháp này, chúng tôi muốn góp một số ý kiến nhằm xây dựng, hoàn thiện chính sách.
Thứ nhất, giảm 30% thuế GTGT áp dụng từ ngày 1-10 đến hết 31-12 với doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực.
Hoạt động của một DN, một ngành luôn có mối liên hệ mật thiết với một số ngành, DN khác. Do đó, khi một ngành bị ảnh hưởng thì nhiều ngành khác bị tác động gián tiếp. Ngoài ra, ngành được giảm thuế sẽ hưởng thuế suất đầu ra 7% trong khi thuế đầu vào từ các ngành liên quan vẫn là 10% khiến phát sinh chênh lệch thuế suất 3% phải hoàn lại cho DN hưởng ưu đãi. Việc này làm gia tăng chi phí xã hội về kê khai thuế và ảnh hưởng đến ngân sách vốn đang khó khăn.
Chưa kể, các ngành kinh tế hiện nay rất đa dạng, nhiều trường hợp khó nhận dạng là DN thuộc lĩnh vực nào, dẫn đến việc xác định ưu đãi khó rành mạch và chính xác, dễ phát sinh vi phạm. Vì vậy, nên xác định cụ thể những ngành không hưởng được ưu đãi nhằm tạo thuận lợi và đơn giản hóa việc thực hiện chính sách.
Thứ hai, giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2021 với DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng hoặc tổng doanh thu 2021 giảm so với năm 2020.
Giải pháp này thực chất là cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 với quy định nhóm DN này được áp dụng có thời hạn thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn thuế suất thông thường áp dụng cho DN. Tuy nhiên, tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa theo luật là "tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng" trong khi chính sách hỗ trợ lần này chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng. Do đó, chúng tôi đề xuất áp dụng ưu đãi với đối tượng DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 300 tỉ đồng.
Thứ ba, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Dịch bệnh khiến tất cả các đối tượng trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình chỉ có một thành viên có thu nhập và phải gánh chi phí sinh hoạt cho tất cả thành viên khác. Với lý do đó, chính sách hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân cần xem xét đến nhóm đối tượng làm công ăn lương.
Thứ tư, miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020; không áp dụng với trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Luật Quản lý thuế quy định xóa tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt với các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá hạn 10 năm; trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh phạm vi rộng và đã được xem xét miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế nhưng vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi và không có khả năng nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Vì thế, việc miễn tiền chậm nộp thuế do dịch Covid-19 nên thực hiện theo quy định trên để bảo đảm nguyên tắc công bằng.
ThS-LS Nguyễn Đức Nghĩa
Người lao động
|