Lợi nhuận bán niên 2021 của doanh nghiệp ‘bay màu’ sau soát xét
Những tác động từ làn sóng Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ‘nguội lại’ khi biến thể Delta xuất hiện và càn phá khiến các doanh nghiệp điêu đứng trong nửa đầu năm 2021. Không chỉ vậy, nỗi buồn đó còn nhân lên khi loạt doanh nghiệp báo lãi ròng sau soát xét “bay màu” so với báo cáo tự lập.
Chênh lệch lãi ròng hơn trăm tỷ
Đứng dầu danh sách tăng lãi hơn trăm tỷ là Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) và Vinhomes (HOSE: VHM) khi báo lãi ròng sau soát xét lần lượt tăng 238 tỷ đồng và 289 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giá vốn giảm mạnh hơn mức giảm doanh thu so với báo cáo tự lập.
Liền sau đó là Xây lắp Điện I (HOSE: PC1) với lãi ròng điều chỉnh lên mức 406 tỷ đồng, tăng 94% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân là do ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào CTCP Khoáng sản Tấn Phát khi chuyển khoản đầu tư từ công ty liên kết thành công ty con theo giá trị ghi sổ. Trong BCTC hợp nhất bán niên đã soát xét, PC1 ghi nhận giá trị khoản đầu tư của đơn vị này theo giá trị hợp lý nên phát sinh khoản lãi từ việc đánh giá lại khoản đầu tư.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp duy nhất báo lãi giảm hơn trăm tỷ là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV). Theo giải trình của ACV, doanh thu giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ 01/05/2021.
Chi phí tài chính biến động do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hoá Hàng không Việt Nam vì công ty phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV tại Công ty giảm, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định của Bộ Tài chính. Không chỉ giảm hơn 169 tỷ đồng lợi nhuận ròng, ACV còn nhận thêm ý kiến nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán về việc cổ phần hóa.
Xét tương đối, Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) dẫn đầu đà tăng với lãi ròng sau soát xét hơn 1 tỷ đồng, trong báo cáo tự lập chỉ ở mức 70 triệu đồng. Nguyên nhân do các số liệu lũy kế của các Công ty liên doanh liên kết chỉ mang tính chất tạm tính, kiểm toán cập nhật kết quả của các đơn vị này dẫn đến việc HAR phải tính lại lãi lỗ của các công ty liên doanh liên kết.
Cùng nguyên nhân, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG) cũng báo lãi tăng lên gần 49 tỷ đồng, gấp đôi so với trước soát xét.
Top 20 doanh nghiệp tăng lãi 6 tháng đầu năm sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HOSE: HU1) ghi nhận lãi ròng gần 874 triệu đồng, trong khi báo cáo tự lập lỗ hơn 2.8 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty trích khoản dự phòng phải thu lâu ngày với Công ty HUD1.02 số tiền 4.7 tỷ đồng. Đây là Công ty con của HU1 nên trong BCTC hợp nhất không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.
Lỗ chất chồng lỗ, kiểm toán “ngán ngẩm”
Không chỉ lỗ thêm 15 tỷ đồng sau soát xét, kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh đối với Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (UPCoM: JOS). Cụ thể, kiểm toán lưu ý về việc Công ty có lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu 287 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 485 tỷ đồng do Công ty vay ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn. Khả năng hoạt động liên tục của Công ty còn phụ thuộc vào các hoạt động có lãi trong tương lai cũng như việc tái cấu trúc nguồn vốn.
Top 20 doanh nghiệp tăng lỗ nửa đầu năm sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tương tự, sau soát xét, BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) ghi nhận lỗ ròng bán niên 2021 gần 51 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ hơn 43 tỷ đồng. Sự chênh lệch này đến từ việc điều chỉnh giá vốn hàng bán tăng 23% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 7 tỷ đồng (do tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi).
Đáng chú ý, kiểm toán nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế hơn 244 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn gần 97 tỷ đồng, tổng nợ phải trả gần 1,103 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 126 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu năm 2020 chỉ thực hiện được 27% và 6 tháng đầu năm 2021 chỉ thực hiện được 15% so với phương án tài chính. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh liên tục âm từ thời điểm Công ty bắt đầu hoạt động thu phí. Hiện tại, các khoản nợ tín dụng được thanh toán nhờ vào sự tài trợ của cổ đông lớn là Công ty TNHH Tiến Đại Phát. Các yếu tố trên cho thấy sự không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Một trường hợp khác, Xây dựng Số 9 (Vinaconex 9, HNX: VC9) ghi nhận lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 292 triệu đồng, do các dự án xây lắp ghi nhận doanh thu theo chi phí thực tế, do đó giá vốn được ghi nhận theo chi phí thực tế phát sinh. Tuy nhiên, theo ý kiến kiểm toán, giá vốn phải ghi nhận theo phương án phù hợp với doanh thu nên có sự chênh lệch. Do đó, Công ty đã điều chỉnh cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ về việc ghi nhận giá vốn và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một số khoản nợ quá hạn thanh toán khó thu hồi của VC9.
Doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Lợi nhuận “bay màu”
Tại BCTC tự lập, Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HOSE: TCO) báo lãi ròng hơn 61 tỷ đồng nhưng trong BCTC soát xét chỉ còn gần 12 tỷ đồng. Được biết, TCO đã hủy kết quả tại BCTC quý 2 tự lập do Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại các Công ty con và theo các quy định hiện hành, Công ty không còn phải lập BCTC hợp nhất. Theo TCO, việc chuyển nhượng vốn tại các Công ty con phát sinh vào thời điểm cuối quý 2 và do sơ suất trong quá trình đọc và hiểu các quy định của pháp luật có liên quan nên có sự chênh lệch này.
Top 20 doanh nghiệp giảm lãi sau soát xét. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Do kiểm toán trích lập thêm khoản dự phòng phải thu và tính lại thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ dẫn đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng, lợi nhuận ròng nửa đầu năm của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (Fideco, HOSE: FDC) giảm 39% so với báo cáo tự lập, còn gần 16 tỷ đồng.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cũng báo lãi ròng sụt 35% so với trước soát xét, do phía kiểm toán đề nghị điều chỉnh các số liệu như tăng giá vốn hàng bán do các điều chỉnh liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của tài sản trên khía cạnh hợp nhất; giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện ra soát khả năng thu hồi.
Không chỉ vậy, kiểm toán còn nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế trong BCTC hợp nhất của Tập đoàn gần 7,372 tỷ đồng cùng với khoản lỗ lũy kế trong BCTC tổng hợp của Công ty là gần 7,066 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày 30/06/2021, Tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tiên Tiên
FILI
|