Thứ Tư, 22/09/2021 15:27

JETRO: Nhiều doanh nghiệp Nhật đã bị mất đơn hàng

Theo JETRO Hà Nội, làn sóng Covid-19 làm hạn chế sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng... khiến nhiều doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam bị mất đơn hàng vì không kịp đáp ứng.

Mối quan hệ Việt - Nhật ảnh 1

Tại hội thảo trực tuyến "Kết nối Đầu tư Việt Nam - Nhật Bản" diễn ra ngày 22/9, các đại diện từ phía Nhật Bản thừa nhận những khó khăn mà doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài gặp phải trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) - cho rằng những khó khăn chỉ là ngắn hạn và mối quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Nhật sẽ tốt đẹp trở lại sau khi làn sóng dịch Covid-19 kết thúc. Các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tìm cách đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh những hạn chế mới.

Mối quan hệ Việt - Nhật ảnh 2
Hội thảo "Kết nối Đầu tư Việt Nam - Nhật Bản" diễn ra hôm 22/9. Ảnh từ hội thảo giao thương trực tuyến "Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản".

Rủi ro cao hơn

Theo ông Nakajima tại JETRO Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía nam Việt Nam. Trong gần một tuần qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày đang giảm xuống nhưng trước đó, khoảng thời gian ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày khá dài.

"Độ phủ vaccine ngừa Covid-19 cũng chưa rộng, những người hoàn thành mũi tiêm thứ 2 chỉ chiếm khoảng 6-7% dân số", ông Nakajima nói thêm.

"Các hoạt động sản xuất tại nhà máy cũng bị hạn chế nghiêm ngặt. Do những giới hạn về di chuyển, logistics trở thành vấn đề đáng được quan tâm. Thêm vào đó, nhiều lao động về quê và không thể quay lại thành phố, khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng", ông Nakajima chia sẻ.

Ông thừa nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh hoặc là dừng hoạt động, hoặc là phải chuyển sang nơi khác. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại là chưa từng có tiền lệ. Các doanh nghiệp bị mất đơn hàng vì không thể đáp ứng kịp.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại là chưa từng có tiền lệ. Các doanh nghiệp bị mất đơn hàng vì không thể đáp ứng kịp.

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima

"Từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản, việc đầu tư vào Việt Nam đã có nhiều rủi ro hơn. Đây có khả năng chỉ là làn sóng ngắn hạn, nhưng doanh nghiệp có thể nhìn nhận lại kế hoạch đầu tư và quay trở lại đầu tư vào Trung Quốc, Nhật Bản", ông Nakajima cảnh báo.

Tuy nhiên, trưởng đại diện JETRO Hà Nội chỉ ra các rủi ro gia tăng không chỉ ở Việt Nam, mà còn toàn khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp thành viên trong Phòng Thương mại Công nghiệp cao nhất khu vực.

"Nguyên nhân là Việt Nam có các thành phố lớn, trải dài khắp đất nước như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. GDP đầu người của Việt Nam cũng đang tăng trưởng, đất nước còn là cứ điểm sản xuất của rất nhiều quốc gia", ông Nakajima bình luận.

Đồng quan điểm, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ảm đạm chung của các quốc gia trên toàn cầu.

Mối quan hệ Việt - Nhật ảnh 3
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công.

"Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 làm gia tăng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Các chuyên gia cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện, chuỗi cung ứng sẽ đứng trước nguy cơ đứt gãy, khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Việt Nam", ông Minh chia sẻ.

"Nhưng chúng ta cần phải nhìn từ nhiều khía cạnh, dịch Covid-19 là câu chuyện của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Khả năng thu hút FDI đã lao dốc trên toàn khu vực, tỷ lệ sụt giảm của các nước ASEAN khác như Malaysia và Thái Lan lớn hơn Việt Nam rất nhiều", ông Minh nói thêm.

Ngoài ra, theo ông, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và được đánh giá cao về hiệu quả chống dịch.

Dòng tiền đầu tư sẽ trở lại khi Việt Nam kiểm soát dịch bệnh

Theo thông tin cập nhật số liệu, riêng trong tháng 8/2021, thời gian dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI từ các quốc gia đăng ký, tăng 65% so với tháng 7/2021.

Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. "Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn", ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, VIETRADE, Bộ Công Thương Việt Nam - bình luận.

"Đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn, các nhà đầu tư đã nghiên cứu rất kỹ trước khi bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam. Những khó khăn trong ngắn hạn không thể thay đổi hoàn toàn quyết định đầu tư", ông Tạ Đức Minh lập luận.

"Việc FDI dao động trong thời kỳ dịch bệnh là điều bình thường. Dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại sau khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi", ông dự báo.

Theo ông Minh, trong xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2020, nhiều nước đã chọn Việt Nam làm điểm đến. Sức hút của Việt Nam nằm ở sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, dân số 100 triệu dân, nguồn lao động dồi dào giúp thúc đẩy thị trường tiêu dùng.

Việc FDI dao động trong thời kỳ dịch bệnh là điều bình thường. Dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại sau khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi.

- Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản

Nhờ đó, thị trường M&A (sáp nhập và mua lại) tại Việt Nam diễn ra rất sôi động. Đất nước trở thành điểm đến M&A hàng đầu Đông Nam Á.

Theo ông Minh, các chuyên gia dự báo quy mô thị trường M&A của Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 4,5-5 tỷ USD.

Các ngành bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp vẫn là tâm điểm thu hút M&A, trong khi lĩnh vực viễn thông, giáo dục, hạ tầng năng lượng, dược phẩm được đánh giá tiềm năng trong một vài năm tới.

"Các nhà đầu tư châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore được dự báo tiếp tục chiếm ưu thế. Nhiều cơ hội đã mở ra từ ưu đãi cắt giảm thuế, những hoạt động tích cực từ các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới, việc sửa đổi một số luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó có quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động M&A", ông Minh nhận xét.

Theo ông, thế giới đang quan tâm đến Việt Nam như một điểm chuyển hướng đầu tư trong điều kiện bình thường mới sau dịch Covid-19.

"Do vậy, để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Chính phủ đã sửa đổi luật đầu tư nhằm đẩy nhanh quy trình, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo hành lang thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh", ông Minh chia sẻ.

Các chính quyền địa phương cũng sẵn sàng tạo điều kiện để thu hút đầu tư, từ quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ đến cải thiện thủ tục hành chính.

Mối quan hệ Việt - Nhật ảnh 4
Dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng trở lại sau khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Vũ Bá Phú, tình trạng xuất hiện những chùm ca bệnh trong khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với ban quản lý KCN và nhà đầu tư để thực hiện những giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp được kiểm soát tốt, công nhân trong khu công nghiệp được cách ly tại nơi làm việc hoặc đưa đón an toàn.

"Chính phủ và các địa phương đã thực hiện các giải pháp giãn cách triệt để nhất nhằm hạn chế và kiểm soát nguồn lây Covid-19 trong cộng đồng, tạo ra các vùng xanh an toàn để các nhà máy và hệ thống kinh doanh có thể trở lại trạng thái bình thường mới", ông nhấn mạnh.

"Trước dịch Covid-19, quan hệ Việt - Nhật đã phát triển rất tốt đẹp. Sau khi dịch kết thúc, mối quan hệ tốt đẹp này sẽ quay trở lại", ông Nakajima tại JETRO Hà Nội khẳng định.

"Dù đầu tư của Nhật Bản vào các ngành tại Việt Nam đang có xu hướng chững lại, doanh nghiệp vẫn tìm cách đầu tư trong trạng thái bình thường mới, chẳng hạn thị sát và đăng ký đầu tư trực tuyến", ông chia sẻ.

"Dù trong hoàn cảnh khó khăn, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn bỏ nhiều công sức để tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Điều đó nói lên rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư rất quan trọng", ông Nakajima nhấn mạnh.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Truy tố ông Nguyễn Đức Chung cùng 6 đồng phạm (22/09/2021)

>   Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị hoạt động trở lại: Cần nghiên cứu cẩn trọng (22/09/2021)

>   Thúc đẩy kinh tế tư nhân giúp Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao (22/09/2021)

>   Vietnam Airlines hoàn tất xin cấp phép bay thẳng đến Mỹ (22/09/2021)

>   Doanh nghiệp cần tự quyết phương án sản xuất (22/09/2021)

>   Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản (21/09/2021)

>   Thêm cảng biển được phép nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ (21/09/2021)

>   “Phá băng” nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất (21/09/2021)

>   Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất (21/09/2021)

>   Xuất siêu sang thị trường CPTPP (21/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật