HDBank sẽ giải ngân hàng chục triệu USD cho các dự án xanh ở Việt Nam
Phát triển bền vững đòi hỏi phải có tài chính bền vững. Những khoản vốn cho các dự án xanh là sự hỗ trợ để hướng về phát triển bền vững ngay từ đầu nguồn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất “xanh” nhiều hơn.
Huy động vốn xanh ngày càng được các doanh nghiệp, định chế trên toàn cầu quan tâm. Tổ chức tài chính Quốc tế (IMF) thống kê xu hướng gọi vốn xanh đang tăng trưởng kể từ 2019. Kể cả trong COVID-19, Moody's thống kê tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững năm 2020 đạt mức kỷ lục 491 tỷ USD. Và hàng trăm tỷ USD trái phiếu xanh có thể mang về cơ hội vốn cho các doanh nghiệp có các dự án quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng huy động trái phiếu xanh, đặc biệt khi đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ và phần lớn vẫn phụ thuộc vào vốn tín dụng. Do đó, làm thế nào để có dòng vốn xanh, điều này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực và mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp của các ngân hàng.
Nổi bật trong nhóm các Ngân hàng lớn, trong vai trò tiên phong tín dụng xanh đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp ở các mảng nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, mới đây nhất, HDBank vừa được Proparco - Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp vừa cấp khoản vay 50 triệu USD để phục vụ cho các dự án xanh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Đây là lần đầu tiên HDBank hợp tác vay vốn từ Proparco hứa hẹn mang về dòng vốn giá rẻ, hiệu quả, tiếp nối các chương trình tài trợ, giải ngân cho các dự án xanh tại Việt Nam mà HDBank triển khai trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Quốc Thanh, TGĐ HDBank cho biết, tính đến ngày 31/08/2021, HDBank đã ghi nhận dư nợ cho vay gần 13,500 tỷ đồng tài trợ cho các dự án xanh. Đây là các dự án mà HDBank chú trọng “xanh hóa” tín dụng, thực hiện chủ trương của đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN) và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, song song với nỗ lực giảm thiểu các tác động đến môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Một loạt các chương trình tiêu biểu về tín dụng xanh của HDBank phải kể đến là chương trình 10,000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là hoàng loạt tài trợ dự án cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, cho vay phát triển điện mặt trời áp mái…
Tất cả dự án được nhận vốn từ HDBank đều đáp ứng các tiêu chí xanh như: giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường; giấy phép đầu tư dự án/phương án thể hiện dự án, phương án phù hợp với mục đích vay vốn và mục tiêu tăng trưởng xanh.
HDBank cũng cho biết với dòng vốn mới từ Proparco, ngân hàng sẽ giải ngân cho các dự án xanh với hứa hẹn sẽ tạo ra hơn 1,350 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong thời gian tới, mang lại cơ hội nghề nghiệp và đảm bảo thu nhập cho người lao động tại các địa phương liên quan. Lợi ích này đóng góp vào Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Thông qua khoản vay này để hỗ trợ cho các dự án xanh, HDBank cũng tiến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về tín dụng xanh.
Theo thống kê của NHNN tính đến hết tháng 6/2020, tổng dư nợ tín dụng xanh dành cho năng lượng tái tạo tính đến thời điểm tháng 6/2020 đạt khoảng 84,000 tỷ đồng (tăng khoảng 30,000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 12/2019). Theo đó, năng lượng tái tạo vẫn đã và đang lĩnh vực thu hút vốn xanh nhiều nhất từ các TCTD. Tuy nhiên, con số và cơ cấu lĩnh vực có thể sẽ thay đổi tới đây khi NHNN cũng vừa công bố lấy ý kiến dự thảo yêu cầu các TCTD đánh giá quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng – là một bước tiến trong chú trọng thực hành tài chính bền vững ở Việt Nam.
Điều này, cũng tương ứng với kế hoạch hợp tác vay vốn mà HDBank vừa thực hiện, nhằm sẵn sàng cho việc mở biên độ hỗ trợ cho các dự án xanh. Theo đó, ông Phạm Quốc Thanh chia sẻ, không chỉ nhóm năng lượng sạch, tái tạo hay nông nghiệp công nghệ cao là những đối tượng được hưởng lợi; kế hoạch giải ngân và thúc đẩy tài chính bền vững, đóng góp vì kinh tế phát triển bền vững của HDBank dự kiến còn bao gồm các địa hạt mới như thương mại điện tử và chuyển đổi số, thay đổi nhận thức của khách hàng cá nhân, người tiêu dùng về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến thực hành tài chính bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngay từ năm 2015, NHNN cũng đã có Chỉ thị số 03/2015/CT-NHNN “Về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”.
Năm 2017, NHNN ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN (2017) về “Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp” dựa trên Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ’ và năm 2018 là đề án phát triển Ngân hàng Xanh.
Trên cơ sở định hướng, chính sách đã có, từ năm 2015-2020, nhiều ngân hàng từ nhóm Big 4 như VietinBank, BIDV, Agribank hay một số ngân hàng TMCP như HDBank, VPBank… đã thúc đẩy tín dụng xanh, được đánh giá là có những chương trình hiệu quả, đóng góp nổi bật trong cung ứng tín dụng xanh cho nền kinh tế.
|
FILI
|