Thứ Tư, 01/09/2021 20:00

"Giải cứu" ngành tôm để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ tháng 7/2021 đến nay tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ...

Đầu ra xuất khẩu rộng mở, nhưng doanh nghiệp phải giảm sản lượng chế biến.

Nếu dịch bệnh Covid-19 chậm được khống chế, giãn cách xã hội kéo dài, nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm đã nhãn tiền. Đó là nhận định chung được nêu ra tại diễn đàn: "Ngành Tôm Việt Nam 2021 online - Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19” do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm ICAFIS (Hội nghề cá Việt Nam - VINAFIS) và Dự án Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á – Graisea 2 đồng tổ chức ngày 1/9/2021.

Sản xuất, tiêu thụ đình trệ

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm hàng năm có giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình.

Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm. Năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ, xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ khi các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ tôm bị đình trệ.

Nguyên nhân do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa; thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng vật tư sản xuất do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch đều bị cách ly, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí.  Nhiều nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động.

Con tôm là ngành hàng rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Nếu để xảy ra đứt gãy chuỗi thủy sản nói chung và con tôm nói riêng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm nghìn người nuôi tôm, công nhân chế biến và doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau là một trong những tỉnh trọng điểm về nuôi tôm của cả nước, với tổng diện tích 300 nghìn ha của 160 nghìn hộ nuôi, sản lượng dự kiến năm 2021 khoảng 200 nghìn tấn.Theo Tổng cục Thủy sản, giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, có địa phương giảm nhiều hơn. Giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm, khiến hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động vì Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu. 

Hiện tỉnh Cà Mau đã thu hoạch 130 nghìn tấn, còn khoảng 70 nghìn tấn sẽ thu hoạch từ nay đến cuối năm. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất, chế biến tôm.

Giá tôm giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau giảm rất nhiều, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới.

Trước thực tế này, ông Bằng kiến nghị, Tổng cục Thủy sản nên tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản với địa phương có biện pháp phòng chóng dịch, mà vẫn thoáng trong sản xuất. Cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn.

Đồng thời, xem xét, kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi tôm cho phù hợp từ 10-30%, để một phần bù đắp khó khăn cho sản xuất. Có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi.

Đơn hàng nhiều, doanh nghiệp "bó tay"

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết nếu nhà máy không sản xuất được sẽ không thu mua tôm. Việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

“Các tỉnh cần làm sao có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện, để nhà máy thu mua thông suốt. Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. Doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm giống để hỗ trợ bà con nuôi thành công”, ông Quang nhấn mạnh.

Hiện số lượng công nhân đi làm của doanh nghiệp chỉ đạt 25% nhưng công suất chế biến vẫn đạt 50%, nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh mua tôm cỡ lớn.

“Khách hàng nhập khẩu ở Châu Âu và Mỹ muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn rất mạnh.  Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được”, ông Quang phản ánh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và  Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, thời gian qua mọi ưu tiên đều cho chống dịch, do đó có những khó khăn và các doanh nghiệp rất chia sẻ, nỗ lực rất lớn.

Các giải pháp như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” nên để doanh nghiệp lựa chọn theo tình hình địa phương, điều kiện mới. Không nên để theo hình thức bắt buộc, khiến khó khăn trong hoạt động chung, doanh nghiệp không chủ động, cũng không nâng cao được tinh thần trách nhiệm chống dịch.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

Làm sao xem đây là vấn đề tự nguyện và trách nhiệm của doanh nghiệp, khi họ chọn lựa thì đảm bảo các yêu cầu điều kiện, tránh mang tính chất cực đoan gây khó cho doanh nghiệp.Nhưng thời gian tới, việc tiêm vaccine đã có sự bao phủ nhất định. Giãn cách xã hội đã lâu nên Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổng kết lại việc giãn cách để có ứng phó chuyên nghiệp, đầy đủ hơn, từ đó có giải pháp hợp lý hơn cho sản xuất trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp khuyến nghị: Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch.

Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.

Các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Kiến nghị ngành Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến bằng việc hạ lãi suất cho vay thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất.

Chu Khôi

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Giá gà lông trắng xuống 6.000 đồng/kg, Nam bộ đang ế 9,3 triệu con gà (01/09/2021)

>   50.000 ‘combo 10 kg’ rau củ quả giá rẻ sắp về TP.HCM (31/08/2021)

>   Giá bột mì, bột gạo, bột bánh xèo… tăng gấp đôi (31/08/2021)

>   Giá tôm ở miền Tây lại giảm mạnh (28/08/2021)

>   Hàng nghìn tấn chuối có nguy cơ đổ bỏ (27/08/2021)

>   Tân Cảng Hiệp Phước tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo, xuất khẩu gạo gặp khó (27/08/2021)

>   Xuất khẩu thủy sản giảm 30% trong tháng 8, cảnh báo đứt gãy chuỗi sản xuất (25/08/2021)

>   Giá gạo xuất khẩu rớt xuống mức thấp nhất trong 2 năm (25/08/2021)

>   Nông sản combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng có thể thay ‘Đi chợ hộ’ ở TP.HCM (24/08/2021)

>   Nông sản Việt ùn ứ tại cửa khẩu, Bộ Công Thương gửi công thư cho phía Trung Quốc (24/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật