Dòng tiền trên thị trường chứng khoán dịch chuyển ra sao 8 tháng đầu năm?
Tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán khiến thanh khoản thị trường tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021.
Bất động sản cùng “Bank - Chứng - Thép” hút tiền
Trong 8 tháng đầu năm, dòng tiền trên thị trường tiếp tục dồi dào. Giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh bình quân toàn thị trường đạt hơn 20.6 ngàn tỷ đồng/phiên, gấp hơn 3.2 lần cả năm 2020. Đặc biệt, thanh khoản liên tục đạt các mức cao mới. Tháng 8, thị trường lập kỷ lục GTGD hơn 2 tỷ USD trong phiên 20/08.
Số tài khoản chứng khoán mở mới 8 tháng đầu năm vẫn ở mức cao (hơn 840 ngàn tài khoản, gấp hơn 2 lần cả năm 2020) cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường.
GTGD khớp lệnh bình quân trong các tháng đầu năm 2021 trên toàn thị trường
|
Xu hướng dòng tiền thể hiện rõ sự phân hóa trong 8 tháng đầu năm. Về mặt tỷ trọng, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và kim loại (thép và các kim loại khác) là những nhóm ngành hút tiền nhiều nhất.
8 tháng đầu năm, tổng GTGD khớp lệnh ở nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm 47% GTGD toàn thị trường. Chứng khoán và kim loại cũng ở trong nhóm dẫn đầu với tỷ trọng lần lượt là 9.5% và 8.8%.
Tỷ trọng GTGD bình quân của các nhóm ngành so với toàn thị trường
Nguồn: VietstockFinance
|
Xác định khẩu vị của dòng tiền
Dòng tiền trên thị trường trong quý 1 khá yếu. Nhiều nhóm ngành như bảo hiểm, nông nghiệp, hóa chất - dược phẩm bị rút tiền. Trong khi đó, dòng tiền ở các nhóm chứng khoán, dầu khí, dệt may ghi nhận sự tăng trưởng.
Sau quý 1 không mấy sôi động, dòng tiền trên thị trường bắt đầu tăng trưởng mạnh trong quý 2. Tâm điểm hút tiền của thị trường trong quý 2 là ngân hàng, chứng khoán, thép. Đây cũng là giai đoạn các nhóm này tạo sóng mạnh mẽ với đà giá tăng rộng.
Tăng trưởng GTGD bình quân của các nhóm ngành so với tháng 12/2020
Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý, trong tháng 6, thanh khoản thị trường tăng mạnh và đạt đỉnh. Dòng tiền ở các nhóm bất động sản, dầu khí, dệt may, điện cũng được kích hoạt.
Đây là giai đoạn dòng tiền trên thị trường bắt đầu thay đổi dòng chảy. Sang tháng 7, thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh với đà giảm 7% của VN-Index. Dòng tiền ít nhiều thận trọng khiến thanh khoản sụt giảm. GTGD khớp lệnh bình quân toàn thị trường giảm gần 20% so với tháng trước đó, còn 22.1 ngàn tỷ đồng/phiên.
Trong bối cảnh đó, sức hút của cổ phiếu chứng khoán, thép vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng dần hạ nhiệt so với cao điểm hồi tháng 6. Có thể thấy GTGD khớp lệnh bình quân đã sụt giảm so với tháng trước đó.
Dòng tiền rút ra khỏi nhóm ngân hàng và dịch chuyển sang nhóm bất động sản, dệt may, hóa chất - dược phẩm, điện, vận tải, bán lẻ.
Nhờ thế mà thị trường sôi sục với đà tăng của cổ phiếu vận tải, dược phẩm… trong tháng 8.
Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDS), tháng 8 là tháng của các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi hầu hết cổ phiếu bluechip giảm giá. Thanh khoản trên thị trường vẫn được duy trì tích cực trong tháng 8 do việc siết chặt phong tỏa hạn chế dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư khác: GTGD trung bình ở mức khoảng 1 tỷ USD/ngày và tăng 16% so với tháng trước. Thanh khoản dồi dào đã dẫn đến sự luân chuyển dòng tiền sang các nhóm ngành có hiệu suất từ đầu năm kém hơn mặt bằng chung, như y tế - dược phẩm, dịch vụ tiện ích, công nghiệp.
|
Nhận xét về sự chuyển dịch của dòng tiền, ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS đánh giá dòng tiền trên thị trường đang luân chuyển hết sức khôn ngoan, đặc biệt là các dòng tiền lớn. Có thể thấy, triển vọng quý 3 khó khăn thì nhóm ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do nợ xấu tăng nên dòng tiền rút ra khỏi nhóm ngân hàng. Một số nhóm ngành khác lại đang hút vốn. Vì thị trường ở vùng trũng thông tin nên tiền chỉ quanh quẩn luân chuyển giữa các nhóm ngành, từ đó tạo ra các sóng ngành ngắn luân phiên gần đây.
Một điểm đáng chú ý là dòng tiền không hề rút khỏi nhóm cổ phiếu du lịch - lưu trú dù triển vọng kinh doanh của nhóm này không mấy tích cực do dịch Covid-19, thậm chí còn có nhiều mã hút tiền. DAH, VNG, RIC, DSN là những mã hút tiền chính của nhóm này. Mặt khác, các mã còn lại trong nhóm vốn có thanh khoản thấp nên hầu như không bị rút tiền bất chấp triển vọng kinh doanh.
Tăng trưởng GTGD bình quân của nhóm du lịch - lưu trú so với tháng 12/2020
Nguồn: VietstockFinance
|
Chí Kiên
FILI
|