Chủ Nhật, 05/09/2021 08:03

Đến lúc tính chuyện 'mở cửa' kinh tế TP.HCM: Hộ kinh doanh 'kiệt sức'

Đằng sau mỗi quán phở, hủ tiếu, bánh mì... tại TPHCM không chỉ là một gia đình mà còn hàng ngàn, hàng vạn người làm công nhật. Nghỉ bán 4- 5 tháng liên tục theo lệnh giãn cách xã hội, thùng gạo nhà họ đã cạn kiệt.

Đến lúc tính chuyện 'mở cửa' kinh tế TP.HCM: Hộ kinh doanh 'kiệt sức'
Hàng quán đóng cửa im ỉm 3 tháng qua, các hộ kinh doanh cho biết đã "đuối" khó cầm cự nổi. Ảnh: Ng.Nga

Chủ sạp, chủ quán cũng đến lúc phải mượn tiền mà sống

Ngưng bán hàng từ tháng 6, chị Nguyên Hồng, chủ quầy áo quần cùng trên đường Tân Thọ (P.8, Q.Tân Bình) cho biết, đến hôm nay (4.9), tiền trữ trong nhà để nuôi 6 miệng ăn 60 triệu đồng, sau hơn 3 tháng, chỉ còn đúng hơn 1 triệu. "Tiếp tục giãn cách đến ngày 15.9, chưa biết lấy gì để sống. Nghỉ vì dịch, con cái ngủ dậy trễ, nên có hôm rút ngắn nấu ăn ngày 2 bữa. Nhưng hôm nay phải ăn 3 bữa, bởi tụi nhỏ ăn sáng lúc 12 giờ, ăn trưa lúc 15 giờ chiều và tối “quất” thêm bữa nữa. Nhà có 4 đứa con, mình là kinh tế chính trong nhà, trước khi nghỉ bán, đã gom được ít tiền hàng để trữ mua thực phẩm dùng trong nhà. Những tưởng chỉ tạm nghỉ mười ngày nửa tháng, nay đã hơn 3 tháng, vẫn chưa thấy động tĩnh gì, tiền ăn đã thâm vào vốn lâu rồi, vài ngày nữa chắc mượn tiền để đi chợ"- chị than.

Những con đường mua bán tập nập quanh chợ Tân Bình, hằng ngày có hàng ngàn lượt người đến mua bán, bị đóng cửa im ắng từ 3 tháng qua

Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng để bán hàng đã trả trước cả năm. “Một ô rộng dài khoảng 1,2 x 1,2 m, chủ nhà cho thuê 16 triệu đồng/tháng, buộc phải đóng trước 192 triệu đồng từ đầu năm. Đóng hồi trước tết nhưng cả năm không buôn bán được gì, không biết chủ nhà có tính toán gì sau này không. Một mặt bằng 4 x 10 m, chủ nhà chia ra 7 ô cho thuê, đến nay đã có 4 người trả lại mặt bằng không thuê nổi nữa. Tôi ráng cầm cự vì đã lỡ đóng hết tiền cho họ rồi, nhưng tiền cho người phụ bán 7,5 triệu đồng/tháng thì ngưng không phụ nổi”- chị nói tiếp, giọng mệt mỏi.

Chị Nga (chủ quán bún bò Nga Trần trên đường 41, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM) đóng cửa quán từ cuối tháng 4, trước khi TP.HCM yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội vì sợ lây nhiễm. Gia đình chị có 4 người vừa thuê nhà để ở vừa bán bún bò với giá 10 triệu đồng/tháng, thuê thêm 1 người phụ. Kể từ khi quán đóng cửa, người phụ việc cũng cho nghỉ, chủ nhà giảm tiền thuê 2 triệu, chị vẫn trả 8 triệu đồng/tháng. Những tưởng chỉ nghỉ khoảng vài tuần, ai ngờ kéo dài đến nay sắp gần 5 tháng. Bí bách khi phải ngồi không trong khi mọi chi phí hầu như phải chi ra đều đặn, từ tiền thuê nhà đến ăn uống, thêm một số loại thuốc men, các loại sản phẩm để phòng chống dịch bệnh... khiến chị phải đi vay mượn của bà con, người quen để chi xài. "Cả nhà chỉ có duy nhất nguồn thu từ quán bún, nay cũng không còn"- chị Nga thở dài sườn sượt nói thêm, do mới chuyển về đây thuê mở quán vài tháng, tôi chưa đăng ký kinh doanh nên đến lúc nghỉ bán, cũng chưa được hỗ trợ gì cho các hộ kinh doanh. Cách nay gần 1 tuần, chị Nga có liên hệ tổ phó tổ dân phố và đăng ký thông tin để xin trợ cấp khó khăn cho cá nhân theo quy định 1,5 triệu đồng/tháng nhưng chưa thấy hồi âm.

Chỉ trông đi bán hàng lại, để có “đồng ra đồng vào”

Người dân thành phố giãn cách, ai đâu ngồi yên đó với mong muốn thành phố sớm được mở cửa nền kinh tế trở lại Ng.Nga

“Nghỉ gần 3 tháng, 2 mẹ con thất nghiệp, bệnh tật mà đến cách nay mấy hôm mới được cán bộ phường mang xuống hỗ trợ cho 5 kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 kg đường, 1 hộp sữa, mấy gói mì tôm. 2 - 3 tuần trước gì đó, phường có liên hệ nói tôi đăng ký gói hỗ trợ người thất nghiệp, lên nhận thì được 1,5 triệu đồng. Không có mấy đứa con lớn hỗ trợ, tiếp tế thì chắc chết đói rồi" - bà Sáng chép miệng rồi nói thêm, như tự an ủi: "Nhà mình vẫn còn cái ăn, nhưng mấy người làm phụ quán phở cho tôi còn khốn khổ hơn nhiều. Quán phở có 3 người giúp việc, nhà ai cũng khó khăn. Trước, mỗi ngày qua phụ quán nhận công 200.000 đồng, giờ nghỉ coi như tiền ăn hằng ngày mất luôn. Cái nhà chị Lan, ông chồng chạy xe ôm giờ thất nghiệp, cả nhà con cái chẳng biết lấy gì mà ăn, có được ai hỗ trợ cho đâu. Nghèo đến nỗi cái điện thoại không có nên giờ muốn hỏi thăm cũng chịu. Còn cô Vân thì nhiễm Covid-19, bà mẹ 80 tuổi cũng nhiễm luôn. Hai mẹ con thất nghiệp, may được trợ cấp ít lương thực, thuốc thang, cũng đỡ. Còn cái ông trông xe cho quán thì nhiễm Covid-19, thành phố giãn cách được mấy ngày thì nhận tin ổng chết rồi. Nay chỉ mong sớm được mở quán lại cho mọi người có cái ăn, chứ kéo dài thế này, chắc chết!”.

Nỗi lòng bà Sáng cũng là nỗi lòng của hàng ngàn, hàng vạn tiểu thương trên địa bàn TP. Chị Nga chủ quán bún bò cho biết, do quá khó khăn và không biết còn phải nghỉ bán đến bao giờ, chị nghĩ cách xoay sở. Từ đầu tháng 8 đến nay chị tìm mối lấy rau củ quả về bán online nhưng do quá nhiều người bán, hàng ế, chị phải mang làm từ thiện. “Bữa giờ đã vay tiền để xài, nay mong được hỗ trợ theo diện khó khăn chút xíu và mong chính quyền mau kiểm soát được dịch bệnh để hàng quán được mở cửa bán lại sớm chừng nào đỡ chừng đó. Đi mượn tiền người quen rồi hứa cũng chờ quán mở lại sẽ trả chứ biết sao giờ”, chị Nga lo lắng.

Lao động tự do lay lắt chờ bớt dịch để ra đường

Hẻm 86 đường số 1 - Ni Sư Huỳnh Liên (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) tập trung khá nhiều phòng trọ gồm những người chuyên mua bán ve chai, bánh mì, giặt ủi hoặc lao động tự do. Hơn 3 tháng qua, họ không có ai kêu đi nhận hàng cứu trợ cả. Tấn là thanh niên chuyên nhận gia công ủi cho các cơ sở may trong khu vực cho biết đã thất nghiệp gần 3 tháng. “Em ăn mì gói hơn 2 tháng nay, sáng một gói, ngủ đến 5 giờ chiều dậy nấu thêm gói nữa ăn rồi đi ngủ. Không dám ló mặt ra đường, phần sợ dịch, phần sợ bị phạt. Đến nay, em và gần 20 người trọ trong hẻm chưa từng nhận hỗ trợ gì từ phường. Trong khi bạn em ở bên phường 8 nhận hỗ trợ 2 lần 3 triệu đồng, rồi có gạo, mì, trứng…”- Tấn nói, giọng buồn thiu.

Một số phụ nữ chuyên nhặt ve chai tại hẻm này cho biết, cách nay mấy hôm, thấy bên đường kia có người cũng nhặt ve chai, nhận được giấy lên nhà tổ trưởng nhận gói cứu trợ gồm gạo, mì, trứng, nước mắm. Thế là gần 20 người lao động tự do trong xóm không ai được nhận hạt gạo nào, đã kéo đến nhà ông tổ trưởng để hỏi nhưng đành về không vì tổ trưởng bảo không có. “Chúng tôi đang sống “lay lắt” chờ hết dịch, chỉ mong tổ dân phố đi sát dân hơn, lên danh sách để người dân được hỗ trợ sống qua ngày…”, một phụ nữ trong hẻm 86 này cho biết.

Người dân ở trọ không có được hỗ trợ đã đành, ngay chính người có hộ khẩu trong hẻm này cũng đến ngày 2.9 vừa qua mới được phường hỗ trợ 5 kg gạo, còn việc thông tin hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng cho lao động tự do thì phường có, phường không.

Chợ truyền thống đóng cửa, hàng quán nghỉ bán... kéo dài, hàng triệu người đang sống lay lắt. Ước mong và hy vọng lớn nhất của họ là dịch được kiểm soát, được mở hàng bán lại để có thu nhập nuôi sống gia đình...

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Ngày 04/09: Việt Nam ghi nhận thêm 9,521 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP HCM 4,104 ca (04/09/2021)

>   Ai sắp được tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 tại TP.HCM? (04/09/2021)

>   Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn Nga hỗ trợ thêm vắc xin Sputnik V (04/09/2021)

>   Kịch bản giãn cách ở TP.HCM sau 6.9: Vẫn ‘ai ở đâu ở yên đó’ (04/09/2021)

>   Ngày 3/9, ghi nhận kỷ lục 14.922 người mắc mới, Việt Nam vượt mốc 500.000 ca COVID-19 (03/09/2021)

>   TP.HCM: Tiêu chí để địa phương công bố kiểm soát được dịch (03/09/2021)

>   Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới khi mua hàng trực tuyến mùa dịch (03/09/2021)

>   TP.HCM giãn cách theo kịch bản nào sau ngày 6.9? (03/09/2021)

>   TP.HCM kiến nghị không rút nhân sự hỗ trợ đến khi kiểm soát được dịch (02/09/2021)

>   TP.HCM: Củ Chi, Q.7 là 2 địa phương đầu tiên công bố kiểm soát được dịch Covid-19 (02/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật