Còn 6 ngày đến 'bình thường mới', mô hình thẻ xanh vẫn mơ hồ ở TP.HCM
Chỉ còn 6 ngày trước khi TP.HCM hoàn thành cam kết kiểm soát dịch vào cuối tháng 9, nhiều người dân vẫn chưa rõ làm sao có được thẻ xanh Covid-19 để trở lại cuộc sống thường nhật.
Bắt đầu từ 16/9, TP.HCM thí điểm thẻ xanh Covid-19 tại quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. 9 ngày từ sau thông báo trên của TP.HCM, người dân vẫn băn khoăn khi không rõ thẻ xanh là gì, tồn tại dưới hình thức nào và làm sao để đáp ứng đủ điều kiện để có chứng nhận này, hoặc nhầm lẫn "thẻ xanh" là chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine có màu xanh.
"Tôi đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, mỗi ngày vẫn thường đi lại trong quận 7. Tuy vậy, tôi không được yêu cầu xuất trình bất kỳ loại giấy tờ, ứng dụng nào. Thật sự tôi không rõ thế nào là thẻ xanh", ông Nguyễn Duy, người dân phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM, chia sẻ.
Trong cuộc họp báo chiều 21/9, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vẫn chưa trả lời các câu hỏi xoay quanh thẻ xanh và hẹn có một "chuyên đề" riêng để giải đáp.
Trả lời Zing, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết hiện quận chưa triển khai nên chưa có thông tin về mô hình thẻ xanh.
Như vậy, chỉ còn 6 ngày trước khi TP.HCM hoàn thành cam kết kiểm soát dịch vào cuối tháng 9, mô hình này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
3 dữ liệu cấu thành nên thẻ xanh, chưa rõ hình thức thể hiện
Ngày 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM ký văn bản về Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.
Theo bộ tiêu chí đính kèm, một người được xác định có thẻ xanh Covid-19 khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
Thẻ xanh là một chuỗi những điều kiện như chứng nhận vaccine, kết quả xét nghiệm, kết quả điều trị Covid-19... Ảnh: Y Kiện.
|
Như vậy, để có đủ yếu tố cho thẻ xanh cần ít nhất 3 dữ liệu: kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi Covid-19, và truy vết không tiếp xúc gần với F0.
Trong văn bản ngày 18/9, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT), tích hợp thẻ xanh trên ứng dụng Y tế HCM. Trước đó, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cũng xác nhận nếu ứng dụng trong thời gian tới có mã "thẻ xanh Covid-19" thì nội dung đó cũng sẽ tích hợp chung vào mã QR cá nhân.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ thẻ xanh sẽ được thể hiện theo hình thức nào, việc kiểm soát bằng thẻ xanh như thế nào. Nếu thẻ xanh được cấp trên app di động, những người không có smartphone sẽ được cấp thẻ xanh ra sao?
Trả lời trong buổi họp báo chiều 21/9, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết chưa thể chia sẻ thêm thông tin do chính sách vẫn đang thí điểm.
Kho dữ liệu khổng lồ bị phân mảnh, chưa thể liên kết
Cả 3 yếu tố đã nêu để đáp ứng thẻ xanh hiện đều có vấn đề nhất định với việc số hóa, liên kết với các cơ sở dữ liệu.
Kết quả xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế có liên thông dữ liệu với hệ thống khai báo y tế điện tử sẽ được cập nhật lên ứng dụng Y tế HCM. Người dân có thể truy cập mục Hồ sơ của tôi để kiểm tra kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cộng đồng. Một số trường hợp đặc biệt như lực lượng shipper của các ứng dụng cũng bắt đầu thực hiện tự xét nghiệm. Do vậy, việc cập nhật dữ liệu lên cơ sở dữ liệu có kịp thời hay không vẫn là dấu hỏi lớn.
Hiện vẫn còn nhiều người dân chưa nhận được chứng nhận dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Khái niệm "thẻ xanh" cũng không phải chứng nhận tiêm chủng có màu xanh. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Theo ghi nhận của Zing ngày 24/9, đại diện các ứng dụng giao hàng cho biết việc nhập liệu gặp nhiều khó khăn, dù công ty kết hợp cả AI và con người xử lý. Nguyên nhân là phần mềm của Sở TT&TT hoạt động không mượt, thông tin không đồng bộ với Công an TP.HCM. Trong khi đó, shipper gửi lên hàng nghìn mẫu kết quả xét nghiệm mỗi ngày.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM, dữ liệu là mấu chốt thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào chống dịch.
"Dữ liệu và tích hợp dữ liệu là thách thức lớn nhất. Không sai, không thiếu, đảm bảo cập nhật thông tin về tiêm chủng của người dân trên một hệ thống dữ liệu thống nhất là vấn đề mà các cơ quan của thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp xử lý. Từ ngày 25/9, shipper tại TP.HCM sẽ tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu dùng chung. Nếu như nhập kết quả bằng tay, việc này sẽ mất nhiều thời gian", ông Vũ nhận định.
Đối với chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận này hiện được cấp theo dạng giấy, đồng thời có mã QR trên ứng dụng Sổ Sức Khỏe Điện Tử và các app có liên kết dữ liệu.
Tuy Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tỉnh, thành phố hoàn thành nhập dữ liệu tiêm chủng trước 20/9, đến ngày 24/9 vẫn còn nhiều trường hợp chưa được ghi nhận hoặc thông tin sai, chưa đầy đủ trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia. Riêng tại TP.HCM, tính đến 20/9, thành phố còn khoảng 700.000 thông tin tiêm chủng được phản ánh có sai sót.
Dữ liệu và tích hợp dữ liệu là thách thức lớn nhất TS Trương Minh Huy Vũ, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM
|
Đối với chứng nhận F0 đã khỏi bệnh, theo văn bản, người từng nhiễm phải có xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện, hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương. Các trường hợp không thể xác nhận thì phải tiêm vaccine.
Như vậy, hiện tại TP.HCM vẫn chưa có phương án số hóa giấy chứng nhận khỏi bệnh F0, chứng nhận tiêm chủng vẫn còn sai sót và kết quả xét nghiệm vẫn khó khăn khi nhập liệu.
Đối với yếu tố không tiếp xúc gần F0, văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM không nêu rõ tiêu chí xác định như thế nào, có dùng giấy chứng nhận hay không, và do đơn vị nào cấp.
Chứng nhận tiêm vaccine chỉ là một trong các yếu tố xác định thẻ xanh Covid-19, theo bộ tiêu chí của TP.HCM. Ảnh: Xuân Sang.
|
Để xác định tiếp xúc gần với F0, năm 2020 Bộ Thông tin & Truyền thông đã giới thiệu ứng dụng Bluezone, sử dụng kết nối Bluetooth trên smartphone để ghi nhận. Việc truy cập dữ liệu, kết luận tiếp xúc sau đó do các đơn vị có trách nhiệm phòng, chống dịch thực hiện.
Tuy nhiên, đến tháng 9 Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã đưa ra hướng tiếp cận mới là kiểm soát bằng mã QR tại các địa điểm đã mở cửa trở lại. Chưa rõ TP.HCM sẽ áp dụng hình thức công nghệ nào, hay sử dụng truy vết truyền thống để xác định việc tiếp xúc gần với F0.
Triển khai "thẻ xanh", nhiều quốc gia gặp khó
Australia, Israel, và các nước châu Âu đi đầu trong việc áp dụng chứng nhận trên smartphone cho người đã miễn dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những giới hạn, lỗi của ứng dụng khi được áp dụng một cách vội vàng.
Tại Australia, kỹ sư phần mềm Richard Nelson chỉ ra lỗ hổng khi xem chứng nhận tiêm vaccine của ứng dụng bảo hiểm y tế Express Plus Medicare vào tháng 8. Dù chứng nhận này có tính năng thay đổi liên tục để đảm bảo tính chính xác, Nelson cho thấy ông vẫn có thể tự tạo chứng nhận cho bản thân dù chưa tiêm vaccine.
Chứng nhận tiêm vaccine chuẩn (bên trái) và bản giả mạo, được tạo ra từ phần mềm sửa ảnh nhưng vẫn có thể quét mã. Ảnh: Check Point.
|
Sau khi liên hệ với Bộ Dịch vụ Nhân sinh Australia mà không được phản hồi, Nelson tiếp tục công bố một lỗ hổng mới, cho phép đặt tên loại vaccine được tiêm. Ông minh họa trên Twitter bằng chứng nhận tiêm của nghị sĩ Australia Craig Kelly, trong đó phần thuốc được tiêm là hydroxychloroquine và ivermectin, cả 2 đều không phải vaccine.
Trong khi đó, thẻ xanh (Green Pass) do Bộ Y tế Israel cấp ngoài chứng nhận tiêm vaccine có thêm thông tin về người đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh. Người Israel cần trình thẻ xanh trên app hoặc in ra khi đi vào nơi tập thể thao, nhà hàng, khách sạn…
Tuy nhiên, chứng nhận vaccine trên ứng dụng này lại rất dễ bị giả mạo. Công ty bảo mật Check Point của Israel vào đầu tháng 9 đã thông báo với Bộ Y tế nước này về lỗ hổng để tạo chứng nhận giả.
Albert Cahn, chuyên gia về công nghệ Mỹ chèn hình chú chuột Mickey vào phần mã QR xác nhận tiêm chủng trên ứng dụng NYC Covid Safe. Ảnh: Albert Cahn.
|
Theo Israel Haaretz, một số chuyên gia bảo mật cho rằng việc giả mạo đơn giản tới mức có thể dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, tài liệu như Adobe Photoshop hay Acrobat để tạo chứng nhận giả.
Tại Mỹ, tùy vào yêu cầu về chứng nhận vaccine, các bang nước này cũng đang phát triển ứng dụng để lưu thông tin tiêm chủng. Ngay từ khi mới áp dụng, app NYC Covid Safe của thành phố New York đã bị chỉ ra lỗ hổng.
Đầu tháng 8, Albert Cahn, nhà sáng lập của dự án chống theo dõi Surveillance Technology Oversight cho biết mình đã tìm ra lỗ hổng, có thể can thiệp vào phần hiển thị trên ứng dụng. Ông minh họa bằng bức hình chú chuột Mickey nằm ở chỗ đáng ra là mã QR xác nhận tiêm chủng.
Tuấn Anh - Xuân Tiến
Zing.vn
|