APS muốn tăng sở hữu lên gần 21% tại API sau khi cổ đông ngoại rời đi
CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) vừa đăng ký mua vào 5 triệu cp API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) từ ngày 21/09-19/10/2021.
Hiện, APS đang sở hữu 505,600 triệu cp API, tương đương tỷ lệ 1.92% vốn. Nếu giao dịch thành công, APS sẽ chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây với tỷ lệ sở hữu 20.91%, tương đương hơn 5.5 triệu cp.
Đáng chú ý, APS có mối liên hệ mật thiết với API khi có chung ban lãnh đạo.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT của API và là Kế toán trưởng của APS. Cá nhân bà Thanh không nắm cổ phiếu nào của API.
Bên cạnh đó, ông Phạm Duy Hưng hiện là Phó Tổng Giám đốc của API và là Chủ tịch HĐQT của APS. Bà Nguyễn Hoài Giang là Kế toán trưởng tại API và là Trưởng BKS tại APS. Cá nhân hai vị này đều không sở hữu cổ phiếu API.
Mặt khác, ông Nguyễn Đỗ Lăng vừa là Ủy viên HĐQT tại API và cũng là Tổng Giám đốc của APS. Cá nhân ông Lăng đang nắm gần 7.5 triệu cp API, chiếm tỷ lệ 21.16% vốn tại đây.
Trước đó, 2 cổ đông lớn nhất của API là Lucerne Enterprise Ltd và ASEAN Deep Value Fund đều thông báo đã hoàn tất thương vụ thoái vốn sau khi lần lượt bán thành công hơn 7.4 triệu cp và 5.6 triệu cp API trong ngày 09/09.
Cũng trong phiên 09/09, API chào đón 2 cổ đông lớn mới gồm bà Nguyễn Ngọc Diệp và bà Nguyễn Thu Phương sau khi 2 cá nhân này mua vào lần lượt 3.2 triệu cp (9.04%) và 3 triệu cp (8.47%).
Trong phiên 09/09, dữ liệu ghi nhận có hơn 12.74 triệu cp API được giao dịch thỏa thuận, giá trị thỏa thuận đạt gần 287 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu được giao dịch đúng bằng tổng lượng cổ phiếu mà 2 cổ đông Lucerne Enterprise Ltd và ASEAN Deep Value Fund đã bán ra trong phiên 09/09.
Diễn biến giá cổ phiếu API trong 1 năm trở lại đây
|
Trên thị trường, giá cổ phiếu API bật tăng mạnh khi có sự xáo trộn trong cơ cấu cổ đông lớn.
API cho biết với tỷ lệ nắm giữ gần 36% (tính đến tháng 5/2021), nhóm cổ đông ngoại bao gồm Asean Deep Value Fund (ADVF) và Lucerne Enterprise Ltd cùng một số cổ đông nước ngoài khác nắm quyền phủ quyết và không thông qua hầu hết nghị quyết trong các kỳ ĐHĐCĐ. Ngay tại kỳ ĐHĐCĐ gần nhất năm 2021, đại diện nhóm này chỉ thông qua báo cáo tài chính và tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 3%, đồng thời phủ quyết toàn bộ nghị quyết tăng vốn điều lệ, phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ và nhiều quyết định quan trọng để tạo nền tảng phát triển cho công ty trong tương lai.
Với sự rời đi của các cổ đông trên, cổ phiếu này đã tăng trần 2 phiên liên tiếp gần đây (16-17/09), lên 40,500 đồng/cp vào cuối phiên 17/09, tăng 97% trong vòng 1 tháng trở lại.
Khang Di
FILI
|