Transimex báo lãi ròng quý 2 giảm bất chấp doanh thu tăng mạnh
Kết thúc quý 2, mặc dù doanh thu tăng mạnh 78% nhưng lãi ròng CTCP Transimex (HOSE: TMS) lại giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn 76 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong kỳ phát sinh thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021, TMS ghi nhận doanh thu thuần tăng 78%, đạt 1,404 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn, ghi nhận 1,293 tỷ đồng khiến đà tăng của lãi gộp bị kìm lại, chỉ tăng 49%, ghi nhận gần 111 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ ghi nhận 11 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 41%, lên gần 29 tỷ đồng.
Kết thúc quý 2, lãi ròng của TMS giảm 9%, xuống còn 76 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong kỳ phát sinh thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.
Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của TMS. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của TMS
|
Khép lại nửa đầu năm 2021, TMS ghi nhận doanh thu thuần tăng 87%, đạt 2,489 tỷ đồng và lãi ròng tăng 26%, ghi nhận hơn 175 tỷ đồng.
Năm 2021, TMS đề ra mục tiêu kinh doanh với gần 3,315 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với mức thực hiện năm 2020 nhưng lại kỳ vọng lãi trước thuế năm nay sẽ đạt hơn 425 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Giải thích lý do tại sao lại có sự ngược chiều giữa hai chỉ tiêu hoạt động trong kế hoạch 2021, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT TMS - ông Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ một số khoản lợi nhuận từ năm trước sẽ được ghi nhận vào BCTC quý 2/2021, nhờ đó nâng cao mức lợi nhuận ghi nhận trong năm 2021.
Còn việc đặt mục tiêu doanh thu giảm, ông Ngọc cho biết năm 2020, trong khi các ngành khác chịu thiệt hại vì dịch bệnh thì TMS phần nào được hưởng lợi, dẫn đến ghi nhận mức doanh thu lớn trong năm trước.
So với kế hoạch, doanh nghiệp logistics đã thực hiện được 75% chỉ tiêu doanh thu và 56% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.
Cuối tháng 6, tổng tài sản của TMS ghi nhận gần 4,241 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 808 tỷ đồng, tăng 35%. Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng vọt lên hơn 55 tỷ đồng, gấp 10 lần đầu năm.
Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 ghi nhận hơn 1,897 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 368 tỷ đồng (tăng 19%) và nợ vay dài hạn hơn 566 tỷ đồng (tăng 6% so với đầu năm).
Tiên Tiên
FILI
|