Thứ Hai, 16/08/2021 10:06

Thế giới hưởng lợi gì từ gói chi tiêu công ngàn tỷ USD của Mỹ?

Ngày 10-8, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói chi tiêu công 1.000 tỷ USD. Gói chi tiêu này có thể giúp thúc đẩy năng suất của nền kinh tế, giúp Mỹ quay lại chu kỳ kinh tế mở rộng dài hơn; kích thích Anh, EU, Nhật Bản và cả Trung Quốc đẩy nhanh các gói kích thích kinh tế đã được thông qua của mình.

Gói chi tiêu công khủng chưa từng có

Với tỷ lệ 69 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 1 phiếu trắng, 19 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đứng chung với 50 người của phe Dân chủ để thông qua gói chi tiêu này. Truyền thông nước ngoài xem đây là một “chiến thắng” về mặt chính trị cho Tổng thống Mỹ Biden và Đảng Dân chủ của ông.

Về mặt kinh tế, đây là bước đi được nhiều nhà kinh tế và thị trường tài chính hoan nghênh. Hàng trăm tỷ USD sẽ được đổ vào cải thiện hạ tầng đang lạc hậu của Mỹ (so với những hạ tầng đẹp và hiện đại Trung Quốc vừa xây dựng sau này). Gói chi tiêu này dự kiến chi 550 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các khoản đầu tư nâng cấp cầu, đường, sân bay và đường xe lửa. Ngoài ra, hạ tầng điện, nước sạch và internet băng thông rộng cũng sẽ được nâng cấp.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính những khoản chi này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm 256 tỷ USD trong thập niên tới. Những người thiết kế gói chi tiêu này, cho rằng con số sẽ thấp hơn vì có thể dùng nhiều nguồn khác để bù đắp, bao gồm các khoản tăng thuế, chẳng hạn thu thêm 30 tỷ tiền thuế từ nhà đầu tư tiền mã hóa và sử dụng 200 tỷ USD tiền cứu trợ Covid chưa sử dụng để bù đắp các nhu cầu chi tiêu này. Nhưng tóm lại chắc chắn ngân sách sẽ phải thâm hụt cao hơn.

Gói chi tiêu này dự kiến được Hạ viện Mỹ xem xét trong tháng 9 tới, cùng lúc với gói chi tiêu 3.500 tỷ USD vào an sinh xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tổng 2 khoản chi này là gói kích thích kinh tế lớn chưa từng thấy của nước Mỹ trong nhiều thập niên.

Sẽ làm nước Mỹ thay da đổi thịt

Tổng thống Mỹ Biden ví von rằng sau nhiều năm các khoản chi đổi mới hạ tầng chỉ được áp dụng theo kiểu phong trào “tuần lễ chi đầu tư hạ tầng”, nước Mỹ đang đi vào thập niên đầu tư vào hạ tầng, điều ông kỳ vọng sẽ làm “biến đổi” nước Mỹ (ông dùng từ “transform” với hàm ý làm thay da đổi thịt nước Mỹ).

Nhiều nhà kinh tế, bao gồm những người đoạt giải Nobel như Paul Krugman cho đến các chuyên gia các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn như McKinsey, đều cho rằng những gói chi tiêu này có thể giúp thúc đẩy năng suất của nền kinh tế Mỹ, vốn trượt dài từ sau thập niên 1980 đến nay và ngay cả sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, năng suất vẫn tiếp tục giảm (thay vì bật lên sau một vụ đổ vỡ và tái thiết). Nếu các gói chi tiêu này có thể khiến năng suất trong nền kinh tế tăng trở lại, Mỹ quả thật thay da đổi thịt và quay lại chu kỳ kinh tế mở rộng dài hơn.

Tuy vậy có người lo ngại chi nhiều tiền như vậy lạm phát Mỹ sẽ tăng cao và nợ công sẽ lớn, gây bất ổn cho kinh tế Mỹ và toàn cầu. Paul Krugman đã gạt bỏ luận điểm này. Ông cho rằng dù lạm phát Mỹ có tăng cao hơn dự báo của Cục Dự trữ liên bang (Fed) hay chính phủ, những gói chi tiêu này vẫn cần thiết. Những khoản chi 3.000-4.000 tỷ USD này sẽ được trải dài trong cả thập niên tới, và GDP nước Mỹ trong cả thập niên ước tính khoảng 290.000-300.000 tỷ USD. Nói cách khác, nó chỉ chiếm chưa đến 2% GDP của thập niên, nên khả năng tạo lạm phát và nợ công không bền vững không lớn.

Paul Krugman cũng chỉ ra Mỹ rất cần đầu tư cho tương lai của mình - cả vào tài sản hữu hình như cầu đường và nguồn nhân lực. Vì vậy, lợi ích gói chi tiêu này mang lại có thể làm thay đổi vận mệnh nhiều người Mỹ, và như Tổng thống Biden nói có thể làm nước Mỹ thay da đổi thịt.

Tính lan tỏa toàn cầu

Không chỉ người Mỹ sẽ hưởng lợi từ gói chi tiêu công này. Khi Mỹ cần đổi mới hạ tầng, họ sẽ cần sử dụng nhiều nguyên vật liệu xây dựng và những nhà sản xuất sắt, thép, xi măng, pin năng lượng mặt trời… đều sẽ hưởng lợi. Những gói chi tiêu vào giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, xe điện trên toàn cầu đem lại lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, việc Mỹ mạnh tay chi tiêu cũng sẽ kích thích Anh, EU và Nhật Bản đẩy nhanh các gói kích thích kinh tế đã được thông qua của mình. EU dự kiến sẽ chi ra hơn 900 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế các thành viên. Trong khi đó, Anh đã chi ra hơn 400 tỷ USD trong năm đại dịch vừa rồi để hỗ trợ nền kinh tế, và cam kết khoảng 91 tỷ USD nữa hỗ trợ khẩn cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh.

Riêng Bắc Kinh tuy chần chừ hơn Washington trong việc chi ra các gói kích thích kinh tế, một phần vì e ngại hệ lụy tương tự như gói kích thích kinh tế họ đã chi ra trong giai đoạn 2007-2009, nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy “hơi nóng” từ chính sách chi đầu tư hạ tầng và con người của Mỹ mà “đuổi theo”, vấn đề chỉ là thời gian.

Nói cách khác, sau đại dịch, nhiều nước sẽ lần lượt giới thiệu những công trình hạ tầng mới và trong vài năm tới một số nước sẽ là những đại công trường. Gói chi tiêu ngàn tỷ của Mỹ là chất xúc tác cho cuộc chạy đua đổi mới hạ tầng và đầu tư vào con người, cũng như giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu ở nhiều nước.

Trong bối cảnh lan tỏa rộng của những gói chi tiêu kích thích kinh tế và đầu tư đổi mới hạ tầng toàn cầu như vậy, điều đáng ngạc nhiên những gói chi tiêu đầu tư công của Việt Nam vẫn còn khá chậm. Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31-7-2021 là 169.000 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với mức 40,67% cùng kỳ 2020. Trong khi đó, đa số chuyên gia đang kêu gọi những gói chi tiêu công mạnh vừa hỗ trợ người dân trong dịch bệnh, nhất là nhóm yếu thế, đồng thời đẩy mạnh chi tiêu đổi mới năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Vậy điều gì đang cản trở những gói chi tiêu công của Việt Nam? Câu hỏi này cần được trả lời gấp rút và những điểm nghẽn phải gỡ ra, để tránh sau dịch chúng ta lại tụt hậu vì đầu tư chậm hơn người ta.

Gói chi tiêu này được nhận định là chất xúc tác cho cuộc chạy đua đổi mới hạ tầng và đầu tư vào con người, cũng như giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu ở nhiều nước.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới tăng hơn 1% khi đồng USD suy giảm (14/08/2021)

>   Dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp do lo ngại về nhu cầu (14/08/2021)

>   Vàng thế giới ổn định trên mức 1,750 USD/oz (13/08/2021)

>   Dầu giảm nhẹ sau nhận định của IEA (13/08/2021)

>   Các tập đoàn lớn của Trung Quốc bị trừng phạt, nhà đầu tư dè chừng (12/08/2021)

>   Vàng thế giới tăng hơn 1% sau dữ liệu lạm phát của Mỹ (12/08/2021)

>   Dầu xóa sạch đà giảm, đảo chiều tăng trong phiên (12/08/2021)

>   Xiaomi nhắm tới vị trí hãng điện thoại số một thế giới trong 3 năm (11/08/2021)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ trước nghi ngờ về tác động kinh tế của biến thể Delta (11/08/2021)

>   Dầu khởi sắc, tăng hơn 2% (11/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật