Tàu xếp hàng dài trước cửa ngõ giao thương Mỹ-châu Á
Số tàu đang chờ đợi để vào cảng lớn nhất kết nối giao thương giữa Mỹ và châu Á đã lên đến mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ ngay khi các công ty cố gắng tích trữ hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm.
Khoảng 44 con tàu container đã neo đậu ở vùng nước gần đó và chờ đợi để có được 1 chỗ bốc dỡ hàng tại cảng Los Angeles - Long Beach, bang California, vượt cả kỷ lục trước đây là 40 tàu, theo các lãnh đạo của cơ qua kiểm soát hàng hải ở vịnh San Pedro. Trung bình thời gian chờ đợi lên đến 7.6 ngày, so với mức 6.2 ngày hồi giữa tháng 8, theo dữ liệu từ cảng L.A.
Các tàu container đang xếp hàng dài chờ đợi vì hàng nhập khẩu đang đổ dồn vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi mạng lưới vận tải trên đất liền - như vận tải bằng xe tải và đường sắt - cũng đang xuất hiện rất nhiều nút thắt cổ chai. Dòng lưu chuyển phân phối những container chứa hàng hóa đến các trung tâm phân phối và nhà kho bị tắc nghẽn.
Một phần nguyên nhân là do thiếu hụt nhân công, nhưng các công ty cũng đang cố đẩy mạnh tích trữ hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Theo thường lệ tháng 8 và tháng 9 là những tháng quan trọng để chuyển hàng ra khỏi Trung Quốc trước khi nước này bước vào kỳ nghỉ Tuần lễ vàng vào đầu tháng 10.
Hơn nữa, các công ty nhập khẩu hàng hóa từ châu Á còn phải đối mặt với những gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19.
Mike Witynski, CEO của nhà bán lẻ Dollar Tree, chia sẻ: "Mới đây một trong những tàu mà chúng tôi thuê đã không thể tiến vào Trung Quốc vì 1 thành viên trong thủy thủ đoàn xét nghiệm dương tính với virus. Do đó tàu buộc phải quay trở lại Indonesia và thay toàn bộ thủy thủ đoàn. Kết quả là chuyến hàng đó bị chậm trễ tới 2 tháng".
Với các tàu chất đầy hàng hóa rất dễ bị kéo dài lịch trình, các cảng container ở cả 2 bờ nước Mỹ đều đang bị quá tải với số tàu xếp hàng chờ đợi cao kỷ lục. Ví dụ, ở ngoài khơi Georgia đang có ít nhất hơn một chục tàu chở hàng neo đậu với điểm đến dự tính là cảng Savannah.
"Thật khó mà cho rằng những nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, với một số nhà xuất khẩu lớn bao gồm Indonesia và Việt Nam vẫn đang phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát dịch bệnh. Tình trạng này có thể tiếp tục kìm hãm đà phục hồi toàn cầu bằng cách làm chậm lại sản xuất và đẩy chi phí lên", Chang Shu, Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Bloomberg, nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|