Số dự án nhà ở thương mại được cấp phép giảm mạnh
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2 năm nay, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, với hơn 27.000 căn; chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020 và 73% so với quý trước.
Nguồn cung nhà ở thương mại vẫn tiếp tục khan hiếm, trong quý 2 năm nay chỉ có 69 dự án được cấp phép. Ảnh: Lê Quân
|
Nguồn cung nhà ở thương mại giảm mạnh
Theo báo cáo về số lượng dự án nhà ở thương mại trong cả nước được cấp phép trong quý 2 năm nay mà Bộ Xây dựng vừa thông tin, cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép, chỉ bằng 73% so với quý 1 và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 37 dự án ở miền Bắc, 9 dự án ở miền Trung; 23 dự án ở miền Nam.
Bộ Xây dựng cũng thống kê có 1.119 dự án nhà ở thương mại với hơn 352.000 căn đang xây dựng. Con số này bằng 81% so với quý trước và 79% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tại miền Bắc có 236 dự án, miền Trung có 163 dự án, và miền Nam có 720 dự án.
Cả nước chỉ có 34 dự án với hơn 2.800 căn xây dựng hoàn thành, số lượng này chỉ bằng 83% so với quý trước và 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tại miền Bắc có 26 dự án, miền Trung có 7 dự án, và miền Nam có 14 dự án.
Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2 chỉ có 3 dự án với hơn 1.700 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hoá và Lạng Sơn.
Có 5 dự án với hơn 1.800 căn hộ tại Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được Sở Xây dựng các tỉnh có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong quý 2, cả nước có 2 dự án nhà ở xã hội với 264 căn đã hoàn thành tại Phú Thọ và Long An.
Về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú, cả nước có 5 dự án mới với hơn 4.800 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch.
Cần "nuôi dưỡng" tốt nguồn cung, nhất là nhà ở bình dân
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2018, khi dòng vốn vào bất động sản bị thắt chặt. Tiếp đó, trong năm 2019 và 2020 chịu tác động từ hoạt động rà soát, kiểm tra, siết chặt triển khai thủ tục pháp lý các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường tụt dốc thê thảm.
Theo nhiều chuyên gia, cần chú trọng phát triển dự án nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ảnh: Lê Quân
|
“Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 liên tiếp bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Đơn cử, nguồn cung sản phẩm dự án bất động sản khan hiếm trong khi dòng tiền của xã hội khó đưa vào các ngành khác do dịch bệnh, dẫn đến nhu cầu đầu tư đất nền khắp nơi tăng, tạo ra sốt đất ở nhiều địa phương, gây ra không ít hệ luỵ”, ông Đính nói.
Ông Đính cũng cho rằng, kinh doanh bất động sản vài năm gần đây đã liên tiếp gặp khó khăn chồng khó khăn. Cộng thêm tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân sự trong ngành kinh tế này quỵ ngã, rời bỏ thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đánh giá dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhiều lần khiến những khó khăn của bất động sản trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn. Điều cần thiết hiện nay là Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường. Cần chú trọng phát triển nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội để tăng thanh khoản, làm ấm lại thị trường, cân bằng cơ cấu thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên tại Học viện Tài chính, cho rằng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung trong nền kinh tế nhưng hầu như không có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng.
Để giúp đỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản tháo gỡ khó khăn, Theo ông Châu, chắc chắn cần những quyết sách thông thoáng cởi mở hơn trong việc tiếp cận đất đai, vốn vay làm dự án, vốn vay hỗ trợ cho người mua nhà. Muốn có thị trường bất động sản phát triển tốt, trước hết phải tạo ra được nguồn cung tốt, rồi cân bằng với kích thích nguồn cầu.
Lê Quân
Thanh niên
|