Sáng 1/8, thêm 4.374 ca mắc COVID-19, riêng Bình Dương có 1.415 trường hợp
Sáng 1/8, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.374 ca mắc mới COVID-19, với 2 ca nhập cảnh và 4.372 ca ghi nhận trong nước (884 ca trong cộng đồng).
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.027), Bình Dương (1.415), Long An (318), Đồng Nai (262), Hà Nội (67), Vĩnh Long (50), Bà Rịa - Vũng Tàu (46), Hậu Giang (37), Bến Tre (32), Kiên Giang (24), Phú Yên (22), Trà Vinh (22), An Giang (21), Đồng Tháp (16), Thanh Hóa (6), Quảng Trị (3), Hải Dương (2), Kon Tum (1), Hưng Yên (1).
Tính đến sáng ngày 1/8, Việt Nam có 150.060 ca mắc trong đó có 2.241 ca nhập cảnh và 147.819 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 146.249 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 38.734 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 441 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.070.003 mẫu cho 17.356.646 lượt người.
Trong ngày có 276.373 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 về “Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2” áp dụng trên phạm vi toàn quốc cho nhân viên y tế và các đối tượng khác được nhân viên y tế phân công đánh giá nguy cơ.
Ngày 31/7, TPHCM tiếp nhận 1 triệu liều trong tổng số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân TPHCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Vĩnh Long cần hết sức lưu ý, chuẩn bị kịch bản cho tình xấu hơn bởi tình hình dịch bệnh của tỉnh hiện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Ngày 31/7, Bộ Y tế điều 3 lãnh đạo 3 Bệnh viện tuyến Trung ương đến hỗ trợ Vĩnh Long điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ôxy, yếu tố then chốt trong công tác điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng. Bộ Y tế đã làm việc sát sao với các nhà cung cấp để đảm bảo có đủ ôxy phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 31/7, thành viên Tổ công tác Bộ Y tế đã có cuộc khảo sát, nắm kỹ tình hình cung cấp oxy tại Công ty Cổ phần NIPPON SANSO Việt Nam. Đây là công ty cung cấp oxy lâu năm trên địa bàn phía Nam đóng tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai).
Ông Nguyễn Trung Hoan, Giám đốc kinh doanh công ty cho biết: Tại khu vực phía Nam công ty có 3 nhà máy sản xuất ôxy lỏng, công suất 210 tấn/ngày. Dung tích chứa được là 4.000 tấn. Hiện công ty đang cung cấp ôxy choNBệnh viện Thống Nhất; Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và một số đơn vị khác. Để đảm bảo tốt cho việc điều trị bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Công ty NIPPON SANSO Việt Nam đủ khả năng cung cấp khối lượng lớn ôxy theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Sáng nay (1/8) hơn 10 tấn trang thiết bị y tế gồm máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy lọc thận, truyền dịch và nhiều nhu yếu phẩm được tập kết tại ga Hà Nội, dự kiến chuyển vào TPHCM.
Trước đó, chiều 31/7, hàng trăm trang thiết bị, máy móc y tế đã được tập kết tại Ga Hà Nội để lên đường vào TPHCM phục vụ công tác phòng chống dịch.
Hàng trăm thiết bị y tế được Bệnh viện Bạch Mai vận chuyển đến Ga Hà Nội để bốc xếp lên toa tàu vận chuyển vào TPHCM, lắp đặt cho Trung tâm Hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP HCM) đang được khẩn trương thiết lập.
Chuyến hàng này gồm có 20 máy thở, máy thở chức năng cao, 15 máy thở ôxy dòng cao, 1 máy lọc thận, 45 monitor theo dõi bệnh nhân, hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động, 80 bơm tiêm điện, 80 máy truyền dịch, máy sốc tim, siêu âm màu, và nhiều nhu yếu phẩm khác…
Bệnh viện Bạch Mai cho biết toàn bộ số thiết bị trên của trung tâm hồi sức lớn nhất miền Bắc, được thiết lập trong cao điểm dịch COVID-19 tại Bắc Giang. Số thiết bị này đủ sử dụng cho 100 giường hồi sức.
Bệnh viện Bạch Mai được giao đảm trách chính Bệnh viện điều trị COVID-19 gần 3.000 giường ở TP.HCM.
Hà Minh
Tiền phong
|