Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam
Gần 22 giờ tối 24.8, giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bước xuống máy bay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Chuyến bay của bà Kamala Harris bị chậm lại vài tiếng so với dự kiến trước đó.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra từ 24 - 26.8.
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Chuyên cơ chở Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào 21 giờ 40 ngày 24.8. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Theo kế hoạch, các hoạt động chính thức của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ bắt đầu từ sáng 25.8. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ chủ trì đón tiếp Phó tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Harris sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Trong khi đó, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, bà Harris cũng sẽ tham dự lễ khai trương Văn phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á; chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam giữa Phái đoàn Ngoại giao Mỹ và Sở tài nguyên - Môi trường Hà Nội.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới sân bay Nội Bài. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Bà Kamala Harris dự kiến sẽ gặp gỡ đại diện các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, trao quyền cho phụ nữ, quyền của người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+.
Sau khi kết thúc chuyến thăm, vào ngày 26.8, Phó tổng thống Mỹ dự kiến sẽ chủ trì họp báo về kết quả của chuyến thăm, và tương lai của Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực.
Bà Harris bắt đầu các hoạt động chính thức trong chuyến thăm Việt Nam từ sáng mai, 25.8. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm là 6,5 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Về đầu tư, đến năm 2020, Mỹ xếp thứ 11/135 quốc gia, vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, và các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục duy trì quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó chống đại dịch Covid-19, đặc biệt việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch.
Mỹ đã tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 20,9 triệu USD trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 4 triệu liều vắc xin Pfizer (3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX và hơn 1 triệu liều trong hợp đồng 31 triệu liều mua từ Công ty Pfizer) và 5 triệu liều vắc xin Moderna từ Mỹ thông qua cơ chế COVAX. Mỹ là nước viện trợ cho Việt Nam nhiều vắc xin Covid-19 nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Đậu Tiến Đạt
Thanh niên
|