PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo: “Doanh nghiệp hàng không như bệnh nhân nhiễm Covid-19 và rất cần máy trợ thở”
Ngay khi ngành hàng không tưởng chừng phục hồi, thì đợt dịch Covid-19 thứ 4 ập đến và ghì chặt việc làm ăn của các doanh nghiệp hàng không trong mùa cao điểm.
Theo số liệu chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp cấp bách về vốn và giữ cánh bay hàng không Việt” được VnEconomy tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 02/08/2021, ngành hàng không Việt đang rất khó khăn khi có tới 80-90% máy bay nằm đắp chiếu trong thời gian gần đây và doanh thu chỉ còn 10-20%.
Nhìn vào diễn biến dịch bệnh, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng dịch sẽ còn kéo dài và độ trễ kinh tế mà dịch gây ra sẽ đến hết năm 2021.
Tọa đàm “Giải pháp cấp bách về vốn và giữ cánh bay hàng không Việt” được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 02/08/2021.
|
“Tác động sẽ còn nặng nề hơn bây giờ”
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã bóp nghẹt nhu cầu đi lại và xua đuổi người dân ra khỏi các sân bay, nhưng tác động trong thời gian tới sẽ còn nặng nề hơn bây giờ vì độ trễ.
“Sức cầu của nền kinh tế nói chung và sức cầu đi lại bằng hàng không vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí sẽ còn nặng nề hơn bây giờ. Vì cái chúng ta đang gánh chịu bây giờ là của những gì đã diễn ra cách đây 2-3 tháng trước. Những gì nặng nề của dịch tại thời điểm này sẽ tác động lên nền kinh tế và ngành hàng không ở 1 điểm rơi trong tương lai. Sự khó khăn sẽ còn kéo dài”, vị chuyên gia này cho hay.
Dịch bệnh Covid-19 với nhiều lần bùng phát đã bào mòn sức khỏe của ngành hàng không quá nhiều. Dưới góc độ tài chính, ông Bảo ví von "các doanh nghiệp hàng không hiện nay giống như một bệnh nhân đang bị nhiễm Covid-19 và họ cần máy trợ thở".
Tại sao phải giải cứu ngành hàng không và bài học của quá khứ
Theo ông Bảo, việc cứu trợ ngành hàng không là chuyện cấp thiết bởi lẽ khoản hỗ trợ này không chỉ để cứu ngành hàng không, mà còn gây ảnh hưởng tới các ngành khác.
“Doanh nghiệp hàng không hiện nay đang rất cạn kiệt. Câu chuyện đặt ra là nếu không giải cứu và không hỗ trợ, các doanh nghiệp hàng không sẽ rơi vào rủi ro thanh khoản và có thể dẫn tới rủi ro nguy hại nhất là kiệt quệ tài chính sau đó. Nếu không được cứu chữa một cách kịp thời, nó sẽ để lại hậu quả tái cấu trúc rất tốn kém trong tương lai. Chính vì vậy, chúng ta phải kiến nghị các giải pháp để doanh nghiệp hàng không không rơi vào các rủi ro trên, thậm chí là phá sản, giải thể, hợp nhất hoặc những triển vọng rất u ám khác”.
Về chuyện hỗ trợ cho ngành hàng không, đặc biệt là giải cứu Vietnam Airlines, ông Bảo cũng mượn lại câu chuyện giải cứu hãng xe hơi mang tính biểu tượng của nước Mỹ General Motors để làm bài học cho hiện tại.
Vào thời điểm hãng xe hơi General Motors (GM) của nước Mỹ lâm vào cảnh khốn cùng (cũng giống với các hãng hàng không bây giờ), họ không bán được xe, doanh số sụt giảm nghiêm trọng, không có tiền trả cho công nhân, đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí lúc đó GM đã nộp đơn xin Chính phủ Mỹ bảo hộ phá sản. Lúc đó, Chính phủ Mỹ phải đứng trước quyết định có nên bơm tiền ra để giải cứu doanh nghiệp hay không.
Ngay lập tức, nước Mỹ nổ ra ra tranh cãi dữ dội về chuyện có nên giải cứu hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng nên dùng tiền để đào tạo người mất việc, dùng tiền để hỗ trợ các ngành khác. Tuy nhiên, cuối cùng chính phủ Mỹ vẫn quyết định bơm 50 tỷ USD trong thời hạn 5 năm để giải cứu GM. Đến năm 2019, chiến lược giải cứu kết thúc, Chính phủ Mỹ bán lại các cổ phần tại GM và thu về khoảng 40 tỷ USD, nói cách khác Chính phủ đã tiêu tốn 10 tỷ USD.
Tại thời điểm đó, cựu Tổng thống Obama tuyên bố đây là giải cứu thành công vì cái mất chỉ là 10 tỷ USD, trong khi cái được là cứu sống tập đoàn xe hơi, vừa là sếu đầu đàn của Mỹ, thương hiệu quốc gia, vừa là danh dự của Mỹ và quan trọng hơn là cứu sống cả một ngành xe hơi.
“Đây là một bài học kinh nghiệm cho thấy việc giải cứu 1 doanh nghiệp hay 1 nhóm doanh nghiệp không phải là để hỗ trợ doanh nghiệp đó mà còn để hỗ trợ cho cả ngành công nghiệp đó, đặc biệt là 1 ngành như hàng không”, ông Bảo lý giải.
Ngoài ra, hàng không cũng đóng vai trò trong việc duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. “Hàng không là một cây cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Chính phủ nói rằng không được để đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi giá trị trong đại dịch, ngành hàng không là 1 trong những ngành có sứ mệnh to lớn để duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Khi kinh tế phục hồi, VN phải tận dụng đà tăng trưởng thế giới để lấy lại tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, một trong những yếu tố tạo ra thắng lợi vẫn là ngành hàng không. Hỗ trợ ngành hàng không là để hỗ trợ các ngành nghề khác và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Bảo nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng các hãng bay tư nhân cũng nên được hỗ trợ như những gì Vietnam Airlines đã được nhận. Theo ông, dưới góc độ người lao động, dù họ là người lao động của doanh nghiệp nhà nước hay của doanh nghiệp tư nhân thì đều là người lao động, họ xứng đáng được hỗ trợ và được giải cứu. Ngoài ra, trong câu chuyện hỗ trợ và giải cứu ngành hàng không, ông cũng muốn đặt ra mục tiêu kép làm sao để cứu sống, khôi phục ngành hàng không, đồng thời bảo toàn vốn ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước và tạo sự bền vững về ngân sách.
Vũ Hạo
FILI
|