Những mẫu xe châu Âu ít người biết đến
Bên cạnh các thương hiệu quen thuộc như Mercedes-Benz, Audi hay Porsche, nhiều hãng xe châu Âu vẫn còn khá xa lạ với người dùng trên toàn cầu.
1. Tushek Renovation T500: Tay đua người Slovenia Alijoaa Tushek đã thành lập một công ty sản xuất ôtô vào năm 2012 trên một khu vực sân bay quân sự cũ. Với niềm đam mê chế tạo những chiếc xe thể thao mạnh mẽ, mẫu xe Renovation T500 đã được ra đời. Chiếc xe sử dụng động cơ của Audi RS4 với khả năng tăng tốc 0-96 km/h trong 3,7 giây, khối lượng chiếc xe chỉ đạt mức 1,1 tấn nhờ sử dụng nhiều vật liệu carbon. Ảnh: Motor Authority.
|
2. Qvale Mangusta: Mẫu xe này được ra đời vào năm 1999 và kết hợp nhiều tinh hoa của các hãng lớn như Lamborghini, Ferrari hay Ford. Phần khung được thiết kế bởi Enrique Scalabroni, người từng làm việc cho đội đua F1 Williams và Scuderia Ferrari. Trong khi phần khung được phụ trách bởi Marcello Gandini, cựu nhân viên của Ferrari và Lamborghini. "Trái tim" của chiếc Qvale Mangusta là động cơ V8 4.6L của Ford. Đã có tổng cộng 284 chiếc Qvale Mangusta được bán ra thị trường trước khi công ty này bị phá sản. Ảnh: Top Gear.
|
3. MG Xpower SV: Sau khi mua lại nhà sản xuất ôtô Qvale, MG Rover đã thành lập công ty con MG X80 để sản xuất dựa trên mẫu Qvale Mangusta. Phiên bản concept MG X80 ra đời vào năm 2001 trước khi được giới thiệu chính thức vào một năm sau đó với cái tên MG Xpower SV. Thiết kế của mẫu xe này được phụ trách bởi Peter Stevens, người từng thiết kế ngoại thất cho mẫu McLaren F1. Giá bán khởi điểm của Xpower SV là 90.000 USD, bản SVR cao cấp hơn có giá 115.000 USD. Ảnh: Auto Express.
|
4. Mazzanti Evantra: Công ty ôtô Mazzanti Automobili có xuất phát điểm là một doanh nghiệp phục chế ôtô nhỏ với 2 phòng ban chính: Phục chế xe cũ và phát triển những mẫu siêu xe thủ công. Mẫu Evantra được chế tạo với khung gầm dạng khối và sử dụng động cơ Chevrolet LS7 V8 nhưng được đặt giữa. Phiên bản cao cấp nhất là Evantra 781 có 2 biến thể đường trường lẫn đường đua, tăng tốc 0-100 km/h trong 2,8 giây. Ảnh: Motor Authority.
|
5. Spania GTA Spano: Sau khi kết thúc sự nghiệp giám đốc một đội đua, Domingo Ochoa đã nghiên cứu và cho ra mắt mẫu siêu xe thể thao Spania GTA Spano vào năm 2013. Thế hệ đầu tiên dùng động cơ Dodge Viper V10 kết hợp cùng bộ siêu nạp, sản sinh công suất gần 900 mã lực và mô-men xoắn cực đại hơn 1.000 Nm. Đến năm 2015, động cơ được nâng cấp bộ tăng áp kép tạo ra 925 mã lực, mô-men xoắn cực đại 1.220 Nm. Ảnh: Motor Authority.
|
6. Adamastor P003RL: Cái tên P0003RL mang ý nghĩa đây là mẫu xe thế hệ thứ 3 và hợp pháp để chạy trên phố. Toàn bộ phần khung xe được làm từ vật liệu nhựa composite giúp giảm khối lượng xuống còn 850 kg. Tùy thuộc vào khách hàng, P003RL có thể được trang bị động cơ 2.3-3.5L, cùng với đó là tùy chọn hộp số sàn, bán tự động hoặc tự động tuần tự. Chiếc xe cũng có thể tham gia vào một vài giải đua chuyên nghiệp nhờ phần khung được Adamastor thiết kế theo chuẩn của FIA. Ảnh: Changing Lanes.
|
7. Donkervoort D8 Cosworth: Thương hiệu Hà Lan Donkervoort chỉ tạo được sự thu hút trên toàn cầu khi giới thiệu mẫu D8, chiếc xe mang thiết kế lạ lẫm với hệ thống treo trước lộ ra ngoài cùng đèn chiếu sáng tròn cổ điển. Donkervoort trang bị cho mẫu xe này động cơ tăng áp 2.0L huyền thoại của chiếc Ford Sierra Cosworth. D8 Cosworth là một chiếc xe thể thao không dành cho những tay lái yếu, xe không có công nghệ hỗ trợ lái nhưng khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 4,1 giây. Ảnh: Donkervoort.
|
8. Lotec Sirius: Công ty Lotec của Đức bắt đầu hoạt động từ năm 1960 với công việc chế tạo xe đua trước khi chuyển sang sản xuất phụ tùng cho Porsche. Với kinh nghiệm dày dặn trong việc chế tạo xe đua, Lotec đã tạo ra chiếc siêu xe Sirius với động cơ Mercedes-Benz V12 tương tự mẫu Pagani Zonda, công suất của khối động cơ này có thể đạt được 1.000-1.200 mã lực tùy theo thiết lập của bộ tăng áp. Đáng tiếc, chỉ có một chiếc Lotec Sirius được chế tạo vì nhiều lý do. Hiện nay, công ty này chủ yếu đảm nhận vai trò chế tạo mâm cho các thương hiệu ôtô của Đức. Ảnh: Imgur.
|
Thiên Nguyễn
Zing
|