Nhà, đất bớt 'sốt' nhưng giá không giảm
Theo Bộ Xây dựng, dù dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát, diễn biến phức tạp nhưng giá bất động sản vẫn tăng, thậm chí thị trường vẫn có những dự án chào bán 700 – 800 triệu đồng/m2 căn hộ chung cư.
Giá bán chung cư tại Hà Nội và TP.HCM thời điểm giữa năm nay tăng hơn so với dịp đầu năm. Ảnh: Lê Quân
|
Hà Nội và TP.HCM có căn hộ chung cư chào bán đến 700 – 800 triệu đồng/m2
Bộ Xây dựng mới công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý 2, nhận định giá bất động sản vẫn ổn định, nguồn cung tiếp tục giảm, ít nhà ở bình dân, nhiều nhà cao cấp, giá tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý 2, có gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có hơn 1.000 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý 1). Tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 3.000 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý 1).
Theo Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý 1. Lượng giao dịch căn hộ chung cư bằng khoảng 100 - 105% so với thời điểm cuối năm 2020.
Tại Hà Nội, các chung cư có giá tăng như: Sunshine Garden (tăng khoảng 5,9%), Xuân Mai Complex (tăng khoảng 4,5%), Hòa Bình Green City (tăng khoảng 5,1%) Stellar Garden (tăng khoảng 6,4%), Seasons Avenue (tăng khoảng 5%)… Còn tại TP.HCM là dự án Cantavil An Phú - Cantavil Premier (tăng khoảng 7,1%), Opal Riverside (tăng khoảng 6,3%), New City Thủ Thiêm (tăng khoảng 5,2%), Sunview Town (tăng khoảng 5,5%)…
Bất động sản căn hộ bình dân (giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2): Tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức 25 triệu đồng/m2. Nguồn cung căn hộ bình dân cũng ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều, dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.
Căn hộ bình dân thường chỉ có ở các quận, huyện vùng ven. Tại Hà Nội có dự án Le Grand tại Q.Long Biên giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án XPHomestar tại H.Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2… Còn ở TP.HCM có dự án The East Gate tại TP.Thủ Đức có giá khoảng 27 triệu đồng/m2, dự án Tecco Town tại Q.Bình Tân có giá khoảng 24 triệu đồng/m2…
Căn hộ trung cấp (giá khoảng 30 - dưới 50 triệu đồng/m2) là sản phẩm chủ đạo trên thị trường, chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý 2.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp nhưng bất động sản vẫn tăng giá. Ảnh: Lê Quân
|
Tại Hà Nội, giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như Q.Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Còn ở TP.HCM giá căn hộ trung cấp tăng ở các Q.5, TP. Thủ Đức.
Căn hộ cao cấp (giá trên 50 triệu) ở Hà Nội và TP.HCM có một số dự án có vị trí đặc biệt trung tâm, giá quảng cáo, chào bán rất cao như: dự án One Central Saigon (ở Q.1, TP HCM) dự kiến bán cao kỷ lục, khoảng 650 - 800 triệu đồng/m2; dự án The Grand Hàng Bài ở vị trí đất vàng của Hà Nội có giá chào bán từ 570 - 700 triệu đồng/m2; Spirit Of Saigon (Q.1, TP.HCM) giá khoảng 400 triệu đồng/m2; Sunshine Venicia Thủ Thiêm (TP.HCM) giá khoảng 150 triệu đồng/m2…
Nhà đất bớt sốt nhưng không giảm giá
Theo Bộ Xây dựng, bất động sản nhà ở riêng lẻ có giá giao dịch trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước. Lượng giao dịch loại bất động sản này bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Các tỉnh, thành, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc cảnh báo. Lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý 1.
Theo Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50 - 70 m2 với mức giá bán dao động trên dưới 20 triệu/m2.
Cụ thể, tại Hà Nội, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5 - 16 triệu đồng/m2 như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (1.167 căn hộ, có giá bán 15,8 triệu đồng/m2); Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (3.040 căn hộ, có giá bán 16 triệu đồng/m2); Dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, H.Đông Anh (484 căn hộ, có giá bán 13,5 triệu đồng/m2).
Tại TP.HCM, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13 - 25 triệu đồng/m2 như: Dự án nhà ở xã hội An Phú Tây (311 căn hộ, có giá bán 13 triệu đồng/m2); Dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10 (1.088 căn hộ, có giá bán 25 triệu đồng/m2).
Đối với loại hình căn hộ chung cư cho thuê, giá cho thuê nhìn chung vẫn có xu hướng giảm theo quý so với cuối năm 2020 (mức giảm bình quân toàn thị trường khoảng 3 - 5%). Tại Hà Nội, các Q.Cầu Giấy, Tây Hồ là khu vực có mức giá cho thuê căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp giảm mạnh nhất. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá cho thuê căn hộ trung và cao cấp tại quận 7, Bình Tân có mức giảm mạnh nhất.
Nhà đất đã bớt sốt nhưng giá không giảm. Ảnh: Lê Quân
|
Mua nhà vì sợ đồng tiền mất giá sau dịch bệnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải giá căn hộ chung cư bình dân tăng khi dịch bệnh bùng phát là do nhu cầu ở thực của người dân luôn cao. Trong khi đó, loại hình nhà ở riêng lẻ, đất nền trong thời gian qua đã thiết lập mặt bằng giá mới, khiến người dân khó tiếp cận. Do vậy, nhu cầu dồn sang căn hộ chung cư, dẫn đến giá tăng.
Theo PGS.TS Thịnh, một nguyên nhân khác là nhiều người dân có tích luỹ được một số vốn, nhưng không biết làm gì khi dịch bệnh bùng phát kéo dài nên chuyển hướng sang tìm nơi an cư, tìm mua nhà trước khi đồng tiền mất giá vì khủng hoảng kinh tế. Còn với những căn hộ chung cư giá vài trăm triệu đồng/m2 ở Hà Nội và TP.HCM là dạng thị trường dành cho giới siêu giàu, chiếm tỉ lệ nhỏ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, giá bất động sản đều tăng. Đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm, có thể do tâm lý nhiều người coi đây là thị trường tương đối an toàn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, muốn phục hồi kinh tế phải mất 1 - 2 năm, tức là khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài đến năm 2022. Dự báo lạc quan thì phải đến năm 2023, kinh tế mới phục hồi. Sau khi khủng hoảng đi qua, kinh tế phục hồi thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên quan tâm tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Hiếu cũng cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản tại nước ta phần lớn mang tính đầu tư đầu cơ, ít đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Giá bất động sản có tăng, nhưng đến mức nào đó sẽ phải chững lại. Nếu thanh khoản kém, giá cứ cao, nền kinh tế khó khăn thì chắc chắn sẽ đến lúc giá giảm mạnh, nếu tốc độ giảm nhanh, sâu thì thị trường đổ vỡ.
Bất động sản công nghiệp vẫn giữ giá
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, bất động sản công nghiệp trong quý 2, hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được ổn định về cả giá thuê và tỉ lệ lấp đầy. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%.
Bộ Xây dựng nhận định, so với năm 2020, tốc độ tăng giá thuê khu đất công nghiệp Việt Nam đã chậm lại ở cả miền Nam và miền Bắc. Trong quý 2, mức tăng của giá thuê trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc giao động từ 0% - 5% thấp hơn so với mức tăng từ 4% - 13% trong năm 2020. Phần lớn giá thuê của các dự án khu công nghiệp vẫn giữ ở mức tương tự tại thời điểm quý 4.2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An có mức tăng khoảng từ 5% - 10%.
|
Lê Quân
Thanh niên
|