MPC: Lãi ròng quý 2 tăng 28%, phải thu thuế chống bán phá giá hơn 336 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng quý 2 cũng như nửa đầu năm 2021 đồng loạt tăng trưởng. Đáng chú ý, MPC ghi phải thu thuế chống bán phá giá tại thời điểm cuối tháng 6 hơn 336 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà Mseafood - Công ty con của MPC được hoàn lại.
Trong quý 2, MPC ghi nhận doanh thu thuần tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 3,292 tỷ đồng. Nhờ giá vốn tăng nhẹ hơn giúp lãi gộp tăng vọt 67%, lên hơn 563 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 12% lên 17%.
Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm 67%, xuống còn 24 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá.
Kỳ này, chi phí tài chính cũng giảm 60%, xuống còn 12.5 tỷ đồng do chi phí lãi vay đi lùi. Ngược lại, chi phí bán hàng (tăng 32%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 93%) đồng loạt tăng.
Với những biến động đó, MPC báo lãi ròng tăng 28%, đạt 228 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của MPC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của MPC
|
Lũy kế nửa đầu năm 2021, MPC ghi nhận doanh thu thuần tăng 9%, đạt 6,102 tỷ đồng và lãi ròng tăng 7%, đạt 254 tỷ đồng.
Trong năm 2021, MPC dự kiến đem về 15,775 tỷ đồng doanh thu và 1,092 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 10% và tăng 62% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, so với kế hoạch 2021 đưa ra tại Báo cáo thường niên 2020, chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm 22%.
MPC cho biết đã phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon nhằm làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch và bền vững. Đồng thời, MPC sẽ đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.
Như vậy, so với kế hoạch, “Vua tôm” chỉ mới thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 25% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Chủ tịch Lê Văn Quang cũng chia sẻ với cổ đông: "Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%."
Tại thời điểm 30/06/2021, tổng tài sản của MPC ghi nhận gần 9,923 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6%, lên hơn 1,711 tỷ đồng. Đáng chú ý, MPC phải thu thuế chống bán phá giá hơn 336 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà Mseafood - Công ty con của MPC được hoàn lại.
Ngày 11/02, MPC đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP), theo đó, CBP đã hủy bỏ Quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ MPC vào Mỹ. Quyết định này cho phép MPC tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác, đồng thời, MPC cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó theo Quyết định ngày 13/10/2020.
Hàng tồn kho thời điểm cuối tháng 6 của MPC tăng 40% so với đầu năm, lên gần 4,232 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm, hàng hóa chiếm 89% tổng giá trị hàng tồn kho.
Hàng tồn kho tính đến 30/06/2021 của MPC
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của MPC
|
Xét về cơ cấu nợ, nợ phải trả tại ngày 30/06 ghi nhận hơn 4,793 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 76%, ghi nhận gần 3,657 tỷ đồng (tăng 19%) và không ghi nhận nợ vay dài hạn.
Tiên Tiên
FILI
|