Lựa chọn đầu tư: Nhìn vào ban lãnh đạo doanh nghiệp
Khi lựa chọn đầu tư, ngoài tìm kiếm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, nợ không quá nhiều, yếu tố ban lãnh đạo (BLĐ) cũng rất quan trọng. Nếu không, robot đã có thể giúp con người tìm ra những cổ phiếu tuyệt vời.
Warren Buffet chỉ mua doanh nghiệp khi tin tưởng BLĐ và cách thức vận hành hiện có của doanh nghiệp. Sẽ dễ dàng hơn để ngủ ngon mỗi đêm nếu chúng ta tin tưởng những người làm việc cùng. Dưới đây là các câu hỏi giúp nhà đầu tư (NĐT) đánh giá BLĐ.
1. BLĐ có sở hữu phần lớn doanh nghiệp họ đang điều hành?
Ngoại trừ nhóm doanh nghiệp Nhà nước, NĐT cần xem các lãnh đạo cấp cao có đang nắm giữ (đáng kể) cổ phần tại doanh nghiệp mà họ điều hành hay không? Bởi khi đó, lợi ích của họ sẽ gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NĐT cũng nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ đông lớn là các tổ chức, quỹ đầu tư độc lập (đối trọng với nhóm cổ đông BLĐ, tránh việc tư lợi cá nhân) hay không? Có bao nhiêu tổ chức đang nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, số lượng cổ phiếu nắm giữ có tăng thêm gần đây?
2. BLĐ có kế hoạch gì để tăng trưởng?
Câu hỏi này giúp đánh giá tầm và tài của BLĐ. Tăng trưởng bền vững luôn là thách thức cho bất cứ ai đứng đầu doanh nghiệp. Để làm được điều đó, BLĐ cần có tầm nhìn chiến lược.
Để đánh giá BLĐ, hãy xem kế hoạch kinh doanh (ngắn hạn - dài hạn), định hướng phát triển của doanh nghiệp. Mục tiêu là phải tạo ra sự tăng trưởng giá trị doanh nghiệp qua các năm. Song song đó, khả năng thay đổi chiến thuật (kế hoạch) nhanh chóng khi doanh nghiệp có những dấu hiệu xấu cũng cần được quan tâm, bởi thị trường luôn biến động và vì thế, BLĐ cần có sự linh hoạt để cân bằng và đối phó với những tình huống ngoài dự tính.
3. BLĐ có những giao dịch lớn với các bên liên quan, thành viên gia đình không?
Tình trạng BLĐ làm giá cổ phiếu, đưa mức giá vượt quá giá trị của doanh nghiệp vẫn tồn tại. Bằng mọi cách, họ chỉ muốn “dụ” những cổ đông ngắn hạn, không hiểu gì về bản chất của doanh nghiệp, nhằm trục lợi. Hãy xem BLĐ có các giao dịch lớn với các bên liên quan, thành viên gia đình.
Khi tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải thực sự hiểu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, rủi ro đi kèm. Với những doanh nghiệp có “tiếng xấu”, tốt nhất nên tránh xa, dù bạn có thể thấy giá cổ phiếu liên tục tăng.
4. BLĐ có thực hiện đúng những lời hứa trong 10 năm gần nhất không?
Kiểm tra các BCTN xem BLĐ có thực hiện đúng lời hứa và kế hoạch mà họ đặt ra cách đây nhiều năm không? Bởi lãnh đạo không phải để nói những lời đao to búa lớn mà cần hành động. Vai trò lãnh đạo có thể bắt đầu từ việc đưa ra một tầm nhìn, nhưng việc thực hiện mục tiêu, tầm nhìn đó ra sao mới định nghĩa thành công của người lãnh đạo. Đôi lúc, lời hứa hay kế hoạch không được thực hiện như mong đợi. Khi đó, cách giải quyết của BLĐ sẽ giúp chúng ta đánh giá được đây có phải là một nhà lãnh đạo thực thụ?
Một số dấu hiệu cho thấy cổ phiếu yếu kém cần tránh xa
1. Doanh nghiệp không chia cổ tức tiền mặt
Có 2 cách để kỳ vọng lợi nhuận trong đầu tư là: Giá tài sản tăng và những khoản thu nhập mà tài sản đó mang lại. Trong chứng khoán, cổ tức tiền mặt cho thấy doanh nghiệp “có lãi” và dòng tiền kinh doanh khả quan. Nếu một doanh nghiệp làm ăn tốt, liên tục tăng trưởng lợi nhuận, tại sao không chi một phần tiền ấy dưới dạng cổ tức cho cổ đông?
Để đánh giá chất lượng quản lý của BLĐ, Buffet thường nhìn vào lịch sử chi trả cổ tức cho cổ đông và tái đầu tư. BLĐ doanh nghiệp nào hạn chế chia cổ tức cho cổ đông, dù không có được những dự án hợp lý để tái đầu tư, thì đó là những người mong muốn xây dựng đế chế hơn là sử dụng dòng vốn để tối đa hóa giá trị kinh doanh cho cổ đông.
2. Chia cổ phiếu, phát hành mới liên tục
Trường hợp doanh nghiệp liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu thì nhiều khả năng họ không có tiền mặt. Số lượng cổ phiếu chỉ tăng lên về mặt sổ sách, song giá trị nhà đầu tư hay doanh nghiệp nhận được từ việc này gần như bằng 0. Hơn nữa, việc chia cổ phiếu liên tục còn pha loãng EPS, vô hình chung làm mất sức hấp dẫn của cổ phiếu về định giá.
|
Gia Nghi
FILI
|