Làn sóng tăng vốn của các CTCK: Đã tăng thêm 13.3 ngàn tỷ đồng
Tính tới 20/08, đã có 14 công ty chứng khoán (CTCK) hoàn thành tăng vốn. Số vốn tăng thêm ở mức 13.3 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 60% kế hoạch tăng vốn năm 2021 của khối này.
Thống kê từ đầu năm tới 20/08, có 24 CTCK công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tổng số vốn dự kiến tăng vào mức hơn 25.2 ngàn tỷ đồng. Dự kiến nếu tất cả các đợt tăng vốn này hoàn tất, vốn điều lệ của nhóm CTCK sẽ được nâng lên mức gần 94.5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 36% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, có số đợt tăng vốn đáng chú ý như Chứng khoán SSI tăng vốn thêm hơn 4.4 ngàn tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, thưởng cổ phiếu; Chứng khoán VNDirect phát hành hơn 2.14 ngàn tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu.
Tính tới 20/08, đã có 14 CTCK hoàn thành tăng vốn. Số vốn tăng thêm ở mức 13.3 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 60% kế hoạch tăng vốn.
Kế hoạch tăng vốn của các CTCK trong năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Bên cạnh đó, Chứng khoán SSI, Chứng khoán SHS, Chứng khoán VIX, Chứng khoán HDBS đã công bố ngày chốt quyền để phát hành cổ phần trong tháng 8 và đầu tháng 9. Tổng số vốn dự kiến tăng thêm trong đợt này là hơn 6.3 ngàn tỷ đồng.
Theo khối phân tích của CTCK Rồng Việt (VDS), việc tăng vốn là giải pháp cần thiết để củng cố bộ đệm tăng trưởng của khối CTCK.
Tổng vốn điều lệ của nhóm CTCK từ năm 2017 tới nay
Đvt: Tỷ đồng
|
Tăng trưởng dư nợ cho vay ký quỹ của các CTCK niêm yết đạt 240% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2021. Với giới hạn cho vay ký quỹ, việc hạn chế khả năng cung cấp khoản vay đã phần nào kìm hãm đà tăng của thị trường do các áp lực về quản trị vốn.
Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn, ngành chứng khoán, đặc biệt là mảng cho vay ký quỹ, được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đang gia tăng của thị trường nhằm hỗ trợ xu hướng tăng hiện tại cũng như giảm bớt áp lực về tỷ lệ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu. Mảng trái phiếu doanh nghiệp cũng bị hạn chế bởi giới hạn tổng mức đầu tư là 70% vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, để thu hút khách hàng tiềm năng trong môi trường vi mô và vĩ mô đầy thuận lợi với nhiều nhà đầu tư cá nhân mới, đây là một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện triển vọng lợi nhuận.
Bên cạnh mục tiêu giải tỏa trần cho vay margin, có nhiều lý do khác khuyến khích CTCK tăng vốn ở thời điểm này. Chi phí vốn từ việc phát hành sẽ rẻ hơn so với việc đi vay. Nhất là trong thời điểm giá cổ phiếu chứng khoán đang hấp dẫn, đây là thời điểm tốt để công ty chứng khoán phát hành cổ phiếu.
Việc tăng vốn cũng sẽ đem lại nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh khác như bảo lãnh phát hành. Đây cũng là một nguồn thu lớn của CTCK và yêu cầu tăng nguồn vốn dồi dào. Theo dự phóng của VDSC, giá trị phát hành cổ phần trên thị trường năm 2021 sẽ vượt 100 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 5 lần năm trước. Các kế hoạch khởi động hoạt động chào bán ra công chúng và mua bán sáp nhập sẽ nâng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ ngân hàng đầu tư thay vì phụ thuộc các mảng nhạy cảm với thị trường.
Tình hình phát hành cổ phần trên thị trường chứng khoán
Nguồn: VDS
|
Bên cạnh đó, vốn điều lệ cũng là điều kiện để có thể tham gia đầy đủ các mảng hoạt động của CTCK như tự doanh, bảo lãnh phát hành, phái sinh, phát hành chứng quyền. Từ đó, đặt ra nhu cầu tăng vốn với các CTCK ở top dưới nếu muốn tham gia đường đua cạnh tranh. Có thể thấy những đợt tăng vốn ở nhiều CTCK nhỏ như DNSE, KSS… Chứng khoán KS (tăng vốn gấp 10 lần), Chứng khoán DNSE (tăng vốn gấp 6 lần), Chứng khoán Đà Nẵng (tăng vốn gấp 16 lần),…
Chí Kiên
FILI
|