Khối ngoại tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo 1,500 tỷ USD
Thậm chí sau làn sóng bán tháo 1,500 tỷ USD, nhà đầu tư cổ phiếu vẫn chưa cảm thấy hấp dẫn để nhập cuộc khi rủi ro bị Trung Quốc kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ vẫn còn quá lớn.
Làn sóng bán tháo xuất phát từ đòn giáng quy định từ phía Bắc Kinh đẩy cổ phiếu Tencent giao dịch với mức P/B còn thấp hơn cả cuộc khủng hoảng năm 2008. Cổ phiếu Alibaba sụt xuống mức thấp kỷ lục tại Hồng Kông (thị trường nước này cũng bước vào thị trường con gấu). Bất chấp sự sụt giảm nhanh chóng của định giá, sự tháo chạy của dòng vốn cho thấy khối ngoại cũng chẳng mấy mặn mà.
“Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ sớm kết thúc”, Alex Au, Giám đốc điều hành tại Alphalex Capital Management, cho hay. Ông đã bán toàn bộ cổ phiếu công nghệ đang nắm giữ trong tháng trước và trong 1-2 tuần qua, ông chuyển sang vị thế bán khống các cổ phiếu đã từng rất yêu thích. “Nhà đầu tư cần đánh giá lại sự hợp lý và rủi ro của việc đầu tư tại Trung Quốc”.
Trong tuần này, Tencent cảnh báo nhà đầu tư hãy chuẩn bị tinh thần cho các đợt kiểm soát quy định hà khắc sắp tới trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Những chuyên gia như ông Au giờ đánh giá lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực dễ tổn thương nhất giữa làn sóng kiểm soát của Trung Quốc. Tính tới nay, các ngành như giáo dục, thương mại điện tử cho tới chia sẻ xe hơi đều bị giáng đòn nặng nề.
So với đỉnh tháng 2/2021, 4 công ty chứng kiến vốn hóa giảm mạnh nhất trên toàn cầu đều là công ty công nghệ Trung Quốc: Tencent, Alibaba, Kuaishou Technology và Meituan “bốc hơi” tổng cộng hơn 1 ngàn tỷ USD. Chỉ số công nghệ thuộc Hang Seng – vốn theo dõi các cổ phiếu công nghệ lớn nhất tại Trung Quốc – mất hơn 40% trong khoảng thời gian đó. Các thành viên của chỉ số này mất 1.5 ngàn tỷ USD vốn hóa.
Động thái từ Trung Quốc sẽ tái định hình lại một số công ty lớn nhất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mù mờ về định giá
Xét tới tình trạng bất ổn về quy định hiện tại, thật khó để nói các cổ phiếu công nghệ đang rẻ, Sean Taylor, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trưởng bộ phận cổ phiếu thị tường mới nổi tại DWS, cho hay.
“Nếu lợi nhuận cứ tiếp tục giảm, cổ phiếu công nghệ vẫn đắt” ở mức giá hiện tại, ông nói với Bloombeg. “Chúng tôi còn không biết đáy ở đâu”.
Ngòi nổ kế tiếp
Nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục là những người mua mạnh cổ phiếu công nghệ ngay khi khối ngoại bán mạnh trong tháng 2-3/2021. Giờ thì họ cũng chuyển sang bán ròng cổ phiếu Tencent kể từ tháng 6/2021, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Tín hiệu mua chỉ xuất hiện khi có sự rõ ràng về chính sách từ Chính phủ Trung Quốc, Li Weiqing, Chuyên gia quản lý quỹ tại JH Investment Management, cho hay. Vị chuyên gia cho biết ông đã bán các cổ phiếu Internet trong quý 4/2021 và “dự định quan sát mọi thứ từ xa” trong một khoảng thời gian.
Siết lợi nhuận
Môi trường chính sách hà khắc hơn buộc các công ty phải chậm lại kế hoạch mở rộng, trong khi các lực lượng chống độc quyền buộc họ phải bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Doanh thu của Alibaba không đạt kỳ vọng lần đầu tiên trong 2 năm khi tăng trưởng giảm tốc ở mọi lĩnh vực từ mảng điện toán đám mây cho tới thương mại điện tử.
Tencent ghi nhận quý tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ đầu năm 2019 và cảnh báo về các đợt kiểm soát quy định sắp tới. Ngoài ra, Tencent cũng tăng gấp đôi lượng tiền dành cho các chương trình trách nhiệm xã hội lên 15 tỷ USD. Đây là một trong những nỗ lực thiện nguyện lớn nhất của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khi Chính phủ tăng cường kiểm soát.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|