Đôi điều về phòng chống dịch Covid-19 hiện nay
Cuối năm 2019, dịch bệnh Covid đã chính thức xuất hiện tại Trung Quốc, thế giới cùng lúc nổ ra hàng loạt tranh luận về: Nguồn gốc lây nhiễm, bắt đầu khi nào, đeo khẩu trang hay không…
Song song với đó, là cuộc đua nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc điều trị giữa các cường quốc, đến giờ đã cơ bản có những chủng loại vắc xin được đưa ra sử dụng trong phòng chống dịch bệnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó mới là những thành quả bước đầu và để cho công cuộc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cần phải có những giải pháp kiên định với dịch như: Hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, truy vết, cách ly…
Tất cả những điều ở trên, cụ thể là hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra, đã tiêu tốn/thiệt hại rất nặng nề cho toàn thế giới, từ tính mạng con người đến của cải vật chất. Ảnh hưởng công ăn việc làm cho hàng trăm triệu lao động, các chuỗi cung ứng gãy dần, thậm chí là vỡ vụn như vận tải, hàng không, du lịch...
Việt Nam bước đầu đã đạt kết quả tích cực với chiến dịch phòng chống Covid-19, thành quả đạt được khích lệ các giải pháp, kiên định hơn nữa các phương án thực hiện. Song, điều muốn luận bàn ở đây là dịch bệnh đã xuất hiện biến chủng mới, độc hại hơn, sức lây lan mạnh mẽ hơn, gây chết người nhanh hơn. Trong khi đó, giải pháp phòng chống và điều trị chưa thấy có điều gì mới, gọi là theo kịp đà biến chủng của dịch bệnh, vẫn như cũ.
Hiện giờ, số ca nhiễm mới đã gần 10,000 ca/ngày theo số liệu thông báo chính thức của Bộ Y tế, số người chết đã lên đến hàng trăm ca/ngày, đâu đó đã xuất hiện các hiện tượng quá tải. Tại sao lại không có được thành công như ban đầu đã đạt được, theo tôi:
- Virut đã đổi biến thể, nguy hiểm gấp bội phần cả về mức độ lây nhiễm và độc tính, độ phủ rộng hơn.
- Nhân lực/vật lực đã không theo kịp với mức độ phát tán nhanh của virut.
- Một số giải pháp đã phát huy ít tác dụng trong tình hình mới.
- Vắc xin đã chậm hơn so với tiến độ chích ngừa cho người dân theo thông báo từ nhiều phía…
Thông qua báo chí đưa tin về những ngày qua chống dịch trên toàn quốc, tôi lại nghĩ về những ngày mùa Thu lịch sử năm 1945, Đất nước ta cũng nghèo khó đã đối đầu với giặc có rất nhiều thứ hơn chúng ta, chúng ta đã thắng dựa vào sức mạnh toàn dân tham gia, được ý kiến, được sáng tạo, vận dụng và mở rộng mô hình nếu hay…
Từ đó tôi gợi ý thêm vài giải pháp chống dịch tuy không mới nhưng chưa triển khai rộng.
- Thiết lập các vùng xanh (vùng không có dịch) thi đua mở rộng vùng xanh (khi chúng ta không thể dập ngay vùng đỏ, thì nên đổi lại là bảo vệ vùng xanh). Nên có nhiều hơn nữa các nghiên cứu, các cơ chế, các chính sách thi đua cho nhà/tổ/phường lập chiến tuyến.
- Có nhiều hơn nữa các khen thưởng, động viên kịp thời cho nhóm tuyến đầu, từ huân huy chương cho đến bằng khen, giấy khen, hiện vật… thăng lương/thăng vị trí công tác... Dù biết họ tự nguyện xung phong từ trái tim, nhưng trái tim đó cần được bảo vệ, khích lệ và ghi nhận.
- Mở rộng hành lang đối tượng liên quan đến virut, hiện chúng ta mới tập trung vào trực diện liên quan đến virut, cụ thể là người tiếp cận trực tiếp với nguồn lây bệnh. Ví dụ: Nguồn lây từ thực phẩm/từ không khí trong cơ quan/công sở/y tế…/nước thải/động vật…? Nên có thêm những nghiên cứu, khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn cho việc này, hiện giờ mỗi nhà có cách tiếp cận khách nhau về thực phẩm...
- Thêm các giải pháp làm hạn chế lây nhiễm ở những nơi/nguồn chính: Bệnh viện/cảng cá/chợ (thậm chí có thể thay đổi hình thức, cách thức hoạt động mới).
- Toàn dân tham gia, đây là yếu tố chiến lược. Hiện tại, mới chỉ là toàn dân chấp hành, còn toàn dân tham gia cần nhiều hơn nữa, phải tạo thành phong trào rầm rộ...
- Vắc xin: Toàn dân mới tham gia tiêm, hãy để toàn dân tham gia đầy đủ hết các dịch vụ. Hãy để người dân tự do chọn hình thức tiêm (tiêm công miễn phí/tiêm dịch vụ/tiêm theo đối tượng đơn vị....). Khi đa dạng các nguồn này, tự dưng sẽ có những cạnh tranh, đánh giá giữa các dự án tiêm nào hiệu quả.
- Kêu gọi doanh nghiệp tự nguyện đóng góp việc tiêm vắc xin cho nhân viên của họ.
Hiện nay, các địa phương còn áp dụng cứng những chỉ thị, chủ trương, chưa linh hoạt, chưa tùy vào thực tiễn triển khai, chưa tiếp nhận thêm ý kiến người dân, để có giải pháp căn cơ, phù hợp lòng dân. Các giải pháp đi từ dưới lên, nhưng lại thiết thực gần gũi, dễ thực hiện vì luôn được người dân ủng hộ.
Cần có chính sách động viên hỗ trợ các cơ quan chức năng, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu thuốc và vắc xin kịp thời, phục vụ nhân dân. Hiện giờ đúng là cũng có vài nơi nghiên cứu, nhưng chưa nhiều, nước ta từ xa xưa với nền y học cổ truyền như đông y/thuốc nam/gia truyền/tây y... Nhà nước tạo điều kiện cho tất cả đều tham gia tiếp cận nghiên cứu, sản xuất. Nếu có được các sáng kiến kiểu này, hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam xứng danh trong công cuộc nghiên cứu vắc xin phòng chống Covid-19.
Chỉ là một vài suy nghĩ chủ quan cá nhân, mong rằng có thể giúp ích cho công tác phòng chống dịch, chúc cho Việt Nam sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.
Đông Hà
FILI
|