Doanh nghiệp 'ngấm đòn' COVID-19, tiền nợ thuế tăng mạnh
Trong 7 tháng đầu năm nay, số tiền thuế các cá nhân, tổ chức đang nợ đã tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm trước, điều này cho thấy hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, số thu vẫn cao nhờ nhiều lĩnh vực nóng như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, lắp ráp ô tô...
Nhiều nhà máy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, với khó khăn chồng chất. Ảnh khu nghỉ tại nhà máy của công nhân để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh.
|
Tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, tới hết tháng 7/2021, tổng số tiền thuế bị nợ do ngành này đang quản lý ước trên 116,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020, và tăng 0,8% so với thời điểm cuối tháng liền trước.
Ngành thuế phân tích: nợ tiền thuế cao và tăng mạnh như trên là do trong năm nay đã có 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động trực tiếp lên các khu công nghiệp, nhà máy sử dụng nhiều lao động. Ảnh hưởng dịch bệnh dẫn tới khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Trong tổng số nợ thuế trên, theo phân tích của Tổng cục thuế: nợ thuế có khả năng thu khoảng 60,3 nghìn tỷ đồng (chiếm trên 51%), số còn lại là tiền thuế không có khả năng thu hồi (trên 25 nghìn tỷ đồng) và tiền thuế nợ đang xử lý xóa, giảm, gia hạn...
Dù vậy, về tổng quan số thu ngân sách 7 tháng đầu năm nay, theo ngành thuế vẫn đạt khá và tăng trưởng vượt kế hoạch. Lũy kế 7 tháng qua, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt trên 763,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngân sách trung ương thu trên 327 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, ngân sách địa phương thu trên 436 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Số tiền thu thuế tăng được là nhờ khoản thu đến từ các doanh nghiệp nằm trong llĩnh vực tăng trưởng “nóng” thời gian vừa qua, như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất và lắp ráp ô tô...
Lê Hữu Việt
Tiền phong
|