Công suất chế biến thủy sản tụt 30-40% do giãn cách
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TPHCM và 19 tỉnh, thành phố phía Nam, công suất chế biến thủy sản của doanh nghiệp ở khu vực này sụt giảm đáng kể, nhất là từ nửa cuối tháng 7.
Chế biến thủy sản gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ
|
Sau khi tăng 16% vào nửa đầu tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 7 sụt giảm rõ rệt (giảm khoảng 15% -20% so với 15 ngày đầu tháng 7) kéo kim ngạch xuất thủy sản cả tháng xuống chỉ còn 763 triệu USD (giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,92 tỷ USD (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020).
Trong những tháng đầu năm, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 28,9% (tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2020); Trung Quốc chiếm 19,2%, Nhật Bản chiếm 6,8% và Hàn Quốc chiếm 4,3%.
Theo VASEP, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” (doanh nghiệp lo cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại nhà máy để tránh dịch) với khoảng 30-50% lao động làm việc. Công suất sản xuất đã giảm chỉ còn 30-40% so với trước đây. Trong khi đó, nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Dự tính, nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất để xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 sẽ thiếu hụt 20-30%.
Dương Hưng
Tiền phong
|