Bất chấp khó khăn, doanh nghiệp săm lốp tiếp tục có thêm một quý tăng trưởng
Dù phải đối mặt với thách thức ở cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm nhưng nhìn chung, kết quả kinh doanh quý 2/2021 của các doanh nghiệp săm lốp vẫn khả quan so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 3 doanh nghiệp săm lốp gồm CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) và CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) có tổng doanh thu thuần trong quý 2/2021 đạt gần 2,838 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt hơn 143 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 79% so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận ròng của DRC và CSM lần lượt tăng 146% và 21% so với cùng kỳ, riêng lợi nhuận ròng của SRC giảm 21% do chi phí bán hàng tăng mạnh.
Tổng hợp kết quả kinh doanh quý 2/2021 của 3 doanh nghiệp săm lốp. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Kết quả kinh doanh tích cực của nhóm doanh nghiệp săm lốp trong quý 2 là tín hiệu đáng mừng dù trước những khó khăn đang bủa vây.
Tâm điểm của ngành săm lốp Việt Nam trong quý 2/2021 chính là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra kết luận về cuộc điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, DOC kết luận lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam được trợ cấp không bình đẳng thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực.
Khóa học Online
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NÂNG CAO
💡 Khai giảng: 16/8/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 50%++
Hotline: 0908 16 98 98
👉 ĐĂNG KÝ NGAY
|
Từ kết quả của cuộc điều tra, DOC áp thuế chống trợ cấp lần lượt 7.89% và 6.23% đối với lốp ô tô từ 2 công ty Kumho Tire (Việt Nam) Co. Ltd. và Sailun (Vietnam) Co. Ltd., các doanh nghiệp còn lại đều sẽ bị áp mức thuế suất chung 6.46%. Ngoài ra, lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn bị áp thêm thuế chống bán phá giá 22.3%, trừ một số công ty FDI như Kenda Rubber, Sailun Group, Bridgestone Corp, Kumho Tire,… sẽ không phải chịu loại thuế này.
Bên cạnh thuế suất, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp săm lốp còn gặp khó khăn vì chi phí vận chuyển tăng cao trong thời gian qua, do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu hụt container rỗng. Tuy các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam đều đã thực hiện tăng giá bán để bù đắp phần chi phí tăng thêm, nhưng điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp săm lốp nước ngoài.
So với thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa của ngành săm lốp cũng không mấy lạc quan. Công ty chứng khoán ACBS nhận định tại báo cáo Cập nhật hàng hóa cơ bản quý 2/2021: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam, hoạt động giao thông sẽ sụt giảm mạnh, dẫn tới nhu cầu săm lốp sụt giảm. Các doanh nghiệp săm lốp nội địa có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá cao su nguyên liệu tăng nhưng không thể tăng giá bán sản phẩm khi lượng tiêu thụ giảm.”
Như ACBS đã đề cập, các doanh nghiệp săm lốp nội địa đang phải đối mặt với thách thức từ việc giá cao su nguyên liệu tăng. Dù giá cao su hiện nay nhìn chung tuy đã “hạ nhiệt” so với cuối năm 2020, song vẫn cao hơn so với cùng kỳ. Trong nửa cuối năm 2021, giá cao su được dự báo sẽ tăng trở lại trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đang dần phục hồi sau đại dịch dẫn đến nguồn cầu tăng, trong khi nguồn cung bị hạn chế do dịch bệnh gây rụng lá trên cây cao su.
So sánh giá cao su 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ. Đvt: USD/tấn
|
Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp săm lốp?
Dù bị Mỹ áp thuế trợ cấp và chống bán phá giá nhưng nhìn chung mức thuế suất các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam phải chịu vẫn thấp hơn so với hai nước Đài Loan và Hàn Quốc - cũng bị điều tra bởi DOC. Bên cạnh đó, sản phẩm bị áp thuế là lốp bán thép và lốp tải nhẹ, vì vậy những doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu lốp xe tải nặng radial toàn thép như DRC sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.
Bên cạnh thị trường Mỹ, thị trường châu Âu cũng là một thị trường rất tiềm năng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm đối với phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, các nước EU đòi hỏi lốp xe nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn Emark và chứng nhận Reach, cho nên đây sẽ là thử thách không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội ở thị trường khó tính này.
Trong 3 doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết, CSM là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ kết luận của DOC. Tính tổng cộng 2 loại thuế, Công ty sẽ phải chịu thêm mức thuế suất xấp xỉ 29%. Cho nên, CSM đang chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường mới như Brazil, Ấn Độ - các nước đang áp thuế chống bán phá giá đối với lốp nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn với các đối tác tại Mỹ, Công ty đồng ý giảm giá 5% đối với các sản phẩm chịu thuế nhằm chia sẻ phần chi phí thuế gia tăng.
Ngoài ra, CSM cũng đang dần chú trọng vào thị trường nội địa khi đẩy mạnh dòng lốp xe mang thương hiệu Advenza thông qua các đại lý độc quyền. Hiện, CSM đã triển khai 44 trung tâm dịch vụ thay dầu, rửa xe, thay thế phụ tùng… trên toàn quốc để quảng cáo cho thương hiệu này, dự kiến sẽ có nâng số trung tâm dịch vụ tương tự lên con số 200 trong thời gian tới.
Không có thế mạnh xuất khẩu như DRC hay CSM, SRC chọn cho mình hướng phát triển chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất săm lốp, Công ty đã bổ sung thêm 3 ngành nghề kinh doanh gồm bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn sắt, thép và sản xuất điện mặt trời.
Để giải quyết vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng trong thời gian tới, đặc biệt là cao su tự nhiên, các doanh nghiệp săm lốp đang có xu hướng gia tăng lượng hàng tồn kho nhằm duy trì biên lãi gộp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế nếu tình trạng tăng giá nguyên liệu cứ tiếp tục kéo dài.
Giá trị hàng tồn kho của 3 doanh nghiệp săm lốp
tại thời điểm 30/06/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Hà Lễ
FILI
|