43ha 'đất vàng' tại Bình Dương cần phải thu hồi
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, 43ha “đất vàng” ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và hồ sơ, tài liệu có liên quan được xem là vật chứng của vụ án. Do đó, tài sản này phải được kê biên để Hội đồng xét xử quyết định khi xét xử vụ án. Vật chứng này sẽ phải tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đây là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Cận cảnh dự án 43ha tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương
|
Bán trái quy định
Cơ quan điều tra Bộ công an vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) và một số đơn vị liên quan.
Theo kết luận điều tra xác định, bị can Nguyễn Đại Dương và bố vợ là Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty 3-2 có vai trò chủ mưu, chỉ đạo điều hành, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền trên 300 tỷ đồng trong phi vụ chuyển nhượng lô đất 43ha (ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Cụ thể, thông qua bố vợ, Nguyễn Đại Dương biết Tổng Công ty 3-2 có khu đất 43ha nên thống nhất thành lập Công ty Âu Lạc và để ông Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật nhằm thâu tóm khu đất này. Nguyễn Đại Dương cũng nhờ một số cá nhân là người nhà, bạn bè đứng tên hộ cổ phần góp vốn vào công ty này.
Sau đó, ngày 1/7/2010, Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3-2 (do bị can Nguyễn Văn Minh làm đại diện), thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để mua khu đất 43ha của Tổng Công ty 3-2 với giá 570.000 đồng/m2, mặc dù theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty đã được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt thì lô đất trên phải chuyển giao cho Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do tỉnh ủy quản lý. Tại liên danh nêu trên, Tổng Công ty 3-2 nắm 30% cổ phần (tương đương 60 tỷ đồng); còn Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (tương đương 70%).
“Tại thời điểm các bên ký hợp đồng hứa mua, hứa bán nêu trên, khu đất 43ha không thuộc quyền quản lý, sở hữu của Tổng Công ty 3-2 mà thuộc quyền quản lý, sở hữu của Nhà nước do Tỉnh uỷ Bình Dương đã phê duyệt, yêu cầu chuyển giao khu đất về Công ty Impco và Tổng Công ty 3-2 vẫn đang nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú” -kết luận điều tra nêu rõ.
|
Để hợp thức hoá việc “bắt tay” với con rể, ngày 8/7/2010 (sau một tuần ký hợp đồng với Công ty Âu Lạc), bị can Nguyễn Văn Minh đã triệu tập cuộc họp HĐQT Tổng Công ty 3-2 để thống nhất ban hành Nghị quyết hợp tác liên danh thực hiện dự án trên khu đất 43ha. Tiếp đó, mới xin chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương thành lập Công ty Tân Phú.
Tuy nhiên, đến năm 2015, Tổng Công ty 3-2 thực hiện cổ phần hoá, theo phương án sử dụng đất được Tỉnh uỷ phê duyệt, Tổng công ty này phải chuyển lô đất 43ha về Công ty Impco (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tỉnh uỷ Bình Dương quản lý).
Lúc này, thấy mưu đồ có nguy cơ tuột khỏi tầm tay, các bị can đã yêu cầu Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng lại lô đất 43ha cho Công ty Tân Phú.
Một mặt khác, Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh để ký hợp đồng hứa mua, hứa bán cho Công ty Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thuận – chồng bà Kim Oanh làm đại diện với nội dung “ Công ty Thuận Lợi mua lại toàn bộ Dự án khu dân cư – thương mai – dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua 100% vố góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú. Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhương 30% vốn góp của Tổng Công ty 3-2 tại Công ty Tân Phú để chuyển nhương 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Thuận Lợi, nếu không thực hiện sẽ bồi thường 800 tỷ đồng”.
Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể điều hành thực hiện hợp đồng với phía bà Kim Oanh, bị can Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo các thành viên HĐTV thống nhất chuyển nhượng 30% cổ phần nêu trên cho Công ty Âu Lạc.
Ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp HĐQT Tổng công ty 3/2 quyết định chuyển nhượng 43ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước là 570.000 đồng/m2. Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140/250 tỷ đồng, Tổng công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú.
Sau khi nắm giữ 100% vốn tại Công ty Tân Phú và dự án trên khu đất 43ha, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương đã thực hiện chuyển nhượng lại cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng…
Cần phải thu hồi tài sản Nhà nước
Nêu quan điểm về vụ án trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải thu hồi tài sản là 43ha đất nêu trên. Bởi, thiệt hại thực tế của vụ án chỉ được khắc phục khi toàn bộ khu đất được thu về cho Nhà nước, nếu giao cho nhà đầu tư mới thì phải thông qua thủ tục bán đấu giá.
Khu đất 43ha được sang nhượng trái quy định của pháp luật
|
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, tại thời điểm cty Tân Phú (liên danh giữa Cty 3-2 và Âu Lạc) hứa mua, hứa bán với Công ty Kim Oanh thì lô đất 43ha vẫn thuộc sở hữu nhà nước, vì thế mà quyền sở hữu vẫn thuộc nhà nước (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt). Do đó, các hợp đồng mua bán hình thành sai chủ thể đều bị vô hiệu.
Kết luận điều tra xác định Tổng công ty 3/2 đã nộp cho Cơ quan điều tra số tiền được coi là thiệt hại của vụ án. Việc nộp số tiền này không có ý nghĩa biến giao dịch chuyển nhượng trái luật thành hợp pháp, dẫn đến Công ty Kim Oanh vẫn sở hữu Công ty Tân Phú với khu đất 43 ha, hưởng lợi trái pháp luật từ khu đất có giá hàng ngàn tỷ đồng này.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, trong vụ việc nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định việc mua bán đối với diện tích đất 43ha mà các bị can đã thực hiện là trái quy định của pháp luật, mục đích của các đối tượng phạm tội là thâu tóm “đất vàng” với giá thấp, gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngân sách Nhà nước, chính vì vậy, đây được xem là công cụ, phương tiện để các bị can này thực hiện tội phạm.
“Theo khoa học pháp lý thì tài sản 43ha “đất vàng” và hồ sơ, tài liệu có liên quan được xem là vật chứng của vụ án. Do đó, theo quy định của pháp luật, các tài sản này phải được kê biên để Hội đồng xét xử quyết định khi xét xử vụ án. Vật chứng này sẽ phải tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đây là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.” – luật sư Tuấn Anh nói.
Dương Lê - Thanh Hà
Tiền phong
|