Yêu cầu TP.HCM xử lý hơn 2.177 tỷ đồng và 46,3ha đất đai sai phạm
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP.HCM xử lý tổng số tiền sai phạm hơn 2.177 tỷ đồng quy đổi và nhà, đất sai phạm hơn 46,3ha đất…
Theo thông báo kết luận thanh tra về quản lý xây dựng, đất đai tại TP.HCM số 1068 ngày 06/7/2021 của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2010 đến năm 2016, công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với việc chuyển đổi mục đích đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM, qua thanh tra đã phát hiện những vi phạm.
LOẠT SAI PHẠM VỀ QUY HOẠCH, CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT
Qua thanh tra phát hiện các sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác chủ yếu sai phạm về việc chỉ định chủ đầu tư, phê duyệt dự án tại các vị trí bị thanh tra thuộc đối tượng phải đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất không đúng các quy định của pháp luật.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý tránh thất thoát tài sản nhà nước đối với 02 dự án, gồm: dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư và dự án số 39 – 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4. Trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.
"Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật"
Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM rà soát việc xác định giá đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư… tại từng dự án khu đô thị, như: Dự án đô thị Lacasa do công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư, Dự án khu nhà ở phường Phước Long B.
Uỷ ban nhân dân TP.HCM cần phối hợp với các bộ ngành liên quan để xử lý một số dự án, như: dự án tại địa chỉ 14-16-18 Nguyễn Huệ; dự án có địa chỉ 117-119-121 Nguyễn Huệ và 16 Tôn Thất Thiệp….
Ngoài ra, các sai phạm xảy ra tại các khu đô thị chủ yếu là chưa tính đúng, tính đủ và thu tiền sử dụng đất kịp thời theo quy định cho Nhà nước, như: dự án Khu dân cư Phước Long B; khu đô thị Sài Gòn Bình An; Khu dân cư Tầm nhìn; Khu dân cư Lacasa, quận 7…
Cụ thể, tại dự án Khu dân cư Lacasa: Uỷ ban nhân dân quận 7 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000; Công ty Vạn Phát Hưng tự thực hiện đền bù trước khi có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư; khởi công thi công khi chưa được chấp thuận đầu tư…
Tại dự án Khu dân cư Tầm nhìn: dự án được phê duyệt khi không có kế hoạch sử dụng đất, chuyển đất nông nghiệp sang đất ở khi dự án không có tên trong danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất; Uỷ ban nhân dân quận Bình Tân phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000.
Tại dự án Khu nhà ở Phước Long B: dự án được phê duyệt khi không có kế hoạch sử dụng đất, việc phê duyệt giá đất của Uỷ ban nhân dân TP.HCM không đúng với chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được duyệt.
Về sai phạm tại các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp nhưng không đưa vào khai thác sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên đất là 53.041m2. Trong đó, khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi cho công ty cổ phần Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn thuê đất nhưng để đất trống 24ha…
XỬ LÝ TIỀN VÀ ĐẤT ĐAI VI PHẠM
Qua thanh tra phát hiện cần xử lý là hơn 2.177 tỷ đồng quy đổi (2.054 tỷ đồng và hơn 6 triệu USD), hơn 463.964m2 đất (46,3ha). Ngoài việc thu hồi cho ngân sách nhà nước số tiền 17,6 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định đối với số tiền còn lại và đất đai vi phạm.
Đối với khu công nghiệp, Uỷ ban nhân dân TP.HCM truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp, kiểm tra việc quản lý, sử dụng 17,7ha đất tái định cư, đảm bảo không gây thất thoát tài sản của nhà nước…
Đối với 53 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân TP.HCM quản lý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao cho Thanh tra thành phố thực hiện quản lý, sử dụng. Báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2021.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM rà soát lại quy hoạch (phân khu, 1/2000, 1/500) để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật tại các khu công nghiệp, khu đô thị và các vị trí đất công trên địa bàn thành phố. Trong đó, cần sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về việc xin rút quy hoạch đối với 03 khu công nghiệp: Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng.
Linh Lan -
VnEconomy
|