Chủ Nhật, 11/07/2021 19:00

Tương lai khách sạn

Dù muốn dù không, đại dịch Covid-19 đã và sẽ thay đổi mạnh diện mạo của các khách sạn. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, có thể chúng ta sẽ không còn thấy hình ảnh quen thuộc của các khách sạn truyền thống nữa. Xu hướng này sẽ lan nhanh từ các nước giàu sang mọi nước khác khi du lịch hồi phục và chủ khách sạn buộc phải thay đổi theo để giữ chân khách.

Thay vì ăn sáng theo kiểu buffet, nay khách sạn cung cấp bữa ăn sáng bằng máy.

Điểm chính của sự thay đổi này là hạn chế sự tiếp xúc giữa nhân viên khách sạn và khách; công nghệ được ứng dụng tối đa nhằm phục vụ mục tiêu này. Các dịch vụ mới được giới thiệu bao gồm quy trình nhận khách, trả phòng (check-in, check-out) không tiếp xúc, hoàn toàn tự động; các bữa ăn được đóng gói và khách sẽ mua từ các máy bán hàng tự động; lễ tân khách sạn nay sẽ là màn hình máy tính với phần mềm hỏi đáp tự động.

Chip Rogers, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và Nghỉ dưỡng Hoa Kỳ, nói với Vox rằng khách sạn hiện thích ứng với công nghệ hơn bao giờ hết, trọng tâm là chuyển đổi dịch vụ từ người sang số, được cá nhân hóa tối đa dựa trên thông tin về khách. Ông này cho rằng chìa khóa để ngành khách sạn phục hồi và tăng trưởng trở lại nằm ở ứng dụng công nghệ để phục vụ khách thời hậu Covid-19, trong đó khách lưu trú sẽ kết hợp giữa đi lại vì công việc và đi nghỉ dưỡng.

Một từ mới được khai sinh kết hợp giữa business (kinh doanh) và leisure (giải trí) thành “bleisure” - tức đi công tác rồi nghỉ thêm vài ngày để thư giãn sau chuyến công tác, một hoạt động mà giới kinh doanh trẻ rất ưa chuộng. Nhóm khách này cũng rất chuộng các tiến bộ công nghệ hơn so với nhóm khách lớn tuổi.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất là khi khách bước chân vào khách sạn không còn cảnh nhân viên tiếp tân nhận khách, trao chìa khóa rồi chỉ đường lên thang máy. Các chuỗi khách sạn lớn như Marriott, Hyatt, citizenM và Hilton đã áp dụng cách “check-in” không tiếp xúc và hầu hết các khách sạn lớn đều chuyển sang xài chìa khóa số nên đôi lúc khách có thể dùng ngay điện thoại di động của họ để mở cửa phòng.

Với những khách chưa quen cách nhận phòng như thế, sảnh khách sạn có nhiều robot với màn hình iPad lớn tự động rảo quanh để giúp khách. Nhiều khách sạn sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để hướng dẫn khách với đầy đủ các loại thông tin, từ các dịch vụ trong phòng đến cách điều chỉnh nhiệt độ…

Ian Schrager, người sáng lập khách sạn hạng sang Public Hotel ở New York, nhận định với Vox: “Không còn nhu cầu tán gẫu vài phút khi nhận phòng, uống một ly champagne trong khi chờ làm thủ tục. Khách không muốn thế nữa, họ muốn đi ngay lên phòng mà không cần chờ ở quầy tiếp tân”. Công nghệ, theo ông, là phải làm sao để khách trải nghiệm được điều đó.

Bước vào phòng, nội thất sẽ theo xu hướng tối giản và ưu tiên cho yếu tố vệ sinh. Bề mặt vật dụng sẽ được quảng bá chống vi khuẩn, phòng tắm có dùng các loại kim loại biết tự làm sạch. Việc điều khiển các tiện nghi trong phòng sẽ thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động hoặc hệ thống điều khiển bằng giọng nói. Thậm chí khách có thể thiết lập trước nhiệt độ phòng thích hợp trước khi vào phòng nhờ ứng dụng.

Đại dịch làm nhiều khách sạn hủy bỏ buổi ăn sáng theo kiểu buffet truyền thống. Thay vào đó, có khách sạn như Mandarin Oriental ở Washington tổ chức các bữa ăn tối ngay trong phòng. Đây không phải là dịch vụ ăn trong phòng do khách lười xuống nhà ăn mà là một bữa ăn tối thịnh soạn khi giường được kê lại, bàn ăn được dọn ra, thức ăn do tiệm ăn Rose’s Luxury có gắn sao Michelin đảm trách. Buổi ăn sáng thì biến thành các gói thức ăn do máy bán hàng cung ứng để khách có thể đem đi. Nhiều khách sạn khác dùng ứng dụng để khách có thể chọn món từ trước rồi yêu cầu cung cấp lên phòng.

Chưa biết xu hướng không tiếp xúc này sẽ bền vững sau dịch hay người ta sẽ quay về với sự tương tác giữa người với người, từng làm nên sự sang trọng của nhiều chuỗi khách sạn. 

Nguyễn Vũ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Triển vọng ngành sản xuất nửa cuối năm vẫn bất định (11/07/2021)

>   Sẽ siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook? (10/07/2021)

>   Công an vào cuộc vụ góp 869 tỷ đồng vào Saigon Co.op (10/07/2021)

>   Vì sao TP.HCM phải thu giá thoát nước? (10/07/2021)

>   TP.HCM sắp có thêm hơn 800 tỉ đồng cho hệ thống xử lý nước thải (09/07/2021)

>   Hàng không Việt chính thức thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử (09/07/2021)

>   Hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan thế nào khi TP.HCM giãn cách (09/07/2021)

>   Doanh nghiệp được hỗ trợ gì từ gói 26.000 tỷ? (09/07/2021)

>   Doanh nghiệp Việt khốn khổ vì hãng tàu ngoại thao túng giá (09/07/2021)

>   Việt Nam ở tốp đầu các doanh nghiệp ASEAN tìm kiếm mở rộng kinh doanh (08/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật