Thứ Hai, 12/07/2021 06:49

TP.HCM mạnh tay xử phạt 'ra đường không chính đáng'

Trong hôm qua (11.7), nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng đã bị lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của TP.HCM kiểm tra, xử phạt.

TP.HCM mạnh tay xử phạt 'ra đường không chính đáng'
Shipper đợi kiểm tra tại chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) - ẢNH: KHÁNH TRẦN

Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ chị 16 của Thủ tướng. Công an TP.HCM lập 12 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào TP.HCM; riêng các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng lập khoảng 266 chốt kiểm soát việc đi lại theo Chỉ thị 16 của người dân bên trong nội ô TP.HCM.

Tăng cường kiểm soát đi lại, nhất là việc ra đường khi không thật sự cần thiết rất dễ làm gia tăng nguy cơ lây lan thêm dịch bệnh, được xem là một trong những giải pháp cấp bách để góp phần tận dụng được “thời gian vàng” 15 ngày giãn cách khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Vì thế, sau 2 ngày đầu tiên một số nơi còn nhắc nhở, đến hôm qua hầu hết các chốt kiểm soát thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Lực lượng chức năng xử phạt nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng trong ngày 11.7 ẢNH: ĐỘC LẬP

Ra khỏi quận mua thực phẩm không được chấp nhận

Khoảng 15 giờ ngày 11.7, PV Thanh Niên có mặt tại đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn gần vòng xoay Công trường Dân chủ) ghi nhận việc xử lý của Công an Q.3 đối với các trường hợp ra đường không chính đáng. Lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an Q.3 thông tin 2 ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 9 và 10.7), đơn vị chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân, riêng ngày 11.7 tổ công tác đã lập biên bản xử lý 20 trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng, với mức phạt 2 triệu đồng/trường hợp.

Thế nào là ra đường có lý do chính đáng ?

Theo Chỉ thị 16 mà TP.HCM đang áp dụng, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết gồm: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao; làm việc tại các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... 

Có mặt tại chốt kiểm soát nói trên, PV ghi nhận có rất nhiều lý do người dân khi qua chốt trình bày với tổ công tác, nhưng nhiều nhất là… đi mua thực phẩm. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp nhà ở Q.10, Q.7, Q.Tân Bình… nhưng lại viện lý do mua thực phẩm để vào địa bàn Q.3. Có trường hợp nam thanh niên (ngụ TP.Thủ Đức) chạy xe máy đến, trình bày với tổ công tác mình mới đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, xong mở cốp xe đưa mấy quả xoài, quả táo, nhằm “minh chứng lý do”. “Trường hợp này quá vô lý vì ở tuốt dưới TP.Thủ Đức lên Q.3 chỉ mua vài trái cây là không thực tế”, một cán bộ của tổ công tác nhận định, sau đó lập biên bản xử lý, phạt 2 triệu đồng.

Khoảng 15 giờ 40 cùng ngày, tổ công tác kiểm tra chiếc ô tô chạy vào địa bàn Q.3. Làm việc với tổ công tác, nam tài xế cho hay anh đi rước vợ ở Q.1, sẵn mua ít đồ ăn. Tuy nhiên, nam tài xế không xuất trình được giấy phép lái xe, nên tổ công tác yêu cầu lập biên bản, tạm giữ xe. Nài nỉ, cự cãi khoảng 1 tiếng đồng hồ, nam tài xế mới chịu ký biên bản. “Dịch giã mà các anh khó khăn quá, tạm giữ xe rồi tôi về bằng gì đây, trong khi các phương tiện khác cấm hết rồi”, tài xế nói. “Giờ cả nước, và cả TP.HCM đang gồng mình chống dịch. Mọi người phải cố gắng thực hiện theo Chỉ thị 16, chứ ai cũng ra đường vô tội vạ thì sao chống dịch nổi?”, một cán bộ CSGT đáp lời.

Vị cán bộ CSGT này kể có những trường hợp người dân sống ở Q.3, trình bày với tổ công tác mình đi xin quà từ thiện thì tổ công tác vẫn linh động giải quyết, cho người dân qua chốt vì cuộc sống của một số trường hợp rất khó khăn, họ buộc phải ra ngoài.

Tại Phú Nhuận và Bình Thạnh, ngoài các chốt cố định, lực lượng CSGT-TT còn tổ chức tuần tra trên đường, kiểm tra giấy tờ, lý do ra đường của người lưu thông. Các trường hợp ở quận này sang quận khác nói “mua đồ” đều bị lập biên bản xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng vì “Đang cách ly quận theo quận, quận nào cũng có nhiều cửa hàng, siêu thị bán hàng thiết yếu đầy đủ, nên không có lý do gì phải qua quận khác để mua đồ”.

Vào lúc 15 giờ 35 cùng ngày, tại chốt kiểm soát số 300 Trường Sa (P.2, Q.Phú Nhuận), anh H.H.T (39 tuổi, ngụ P.5, Q.Phú Nhuận) bị lập biên bản xử phạt 1 triệu đồng với lý do ra đường không chính đáng. Giải thích với lực lượng liên ngành, anh T. cho biết đi lấy giấy tờ nên phải đi từ Q.4 qua Q.12, nhưng không chứng minh được là đi lấy giấy tờ gì. Ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND P.2 (Q.Phú Nhuận), cho biết riêng ngày 10.7 lực lượng liên ngành thuộc P.2 đã tiến hành lập biên bản 21 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 với tổng số tiền xử phạt là 31 triệu đồng. Tính đến 15 giờ ngày 11.7, đã lập biên bản xử phạt 28 trường hợp với số tiền phạt là 41 triệu đồng. “Đa phần người dân đều chấp hành nghiêm theo Chỉ thị 16, những trường hợp bị xử phạt là do cố tình không chấp hành như tập thể dục, từ quận này sang quận khác mua hàng hóa, gặp gỡ nhau. Với những lý do không chính đáng đều bị xử phạt”, ông Thiện nói.

Một trường hợp vi phạm ký vào biên bản tại chốt kiểm soát ở Q.3 ngày 11.7 - ẢNH: HÂN HỒ

Người ra đường đã giảm

Ghi nhận tại một số chốt kiểm soát trên địa bàn Q.Gò Vấp trong sáng 11.7, lượng người lưu thông ít hơn ngày thường, chỉ đông vào các giờ cao điểm. Hôm nay Chủ Nhật nên người lưu thông qua các chốt chủ yếu là những người làm nghề vận chuyển hàng hóa, giao hàng.

Tại Q.10, khoảng 14 giờ cùng ngày, PV nhận thấy một số người dân khi gần tới chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt đã cầm sẵn đầy đủ giấy tờ để được qua nhanh; một số không có giấy tờ hoặc không xuất trình được giấy tờ chứng minh ra đường có lý do chính đáng buộc phải quay đầu.

TP.HCM đang đi đúng hướng 

Hôm qua (11.7), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chủ trì buổi giao ban với TP.HCM về công tác phòng chống dịch.

Các ý kiến tại cuộc họp đều đồng tình rằng ưu tiên lớn nhất lúc này với TP.HCM là phải giữ đúng khoảng cách trong tất cả các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, tổ chức tiêm vắc xin, sản xuất kinh doanh, chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đến giờ phút này TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm, đi vào nền nếp rất nhanh, dù còn điểm này, điểm khác không thể tránh khỏi trên một địa bàn đông dân. TP.HCM đã tổ chức tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa những ngày qua, điều chỉnh, xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc nảy sinh.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất là sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội là TP.HCM phải xác lập được những quận/huyện, phường/xã, những khu vực an toàn vững chắc, đẩy lùi dần “giặc Covid-19” vào những khu vực nhỏ, để phần lớn TP.HCM cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới. “Nếu tiếp tục như vậy thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu sau 15 ngày TP.HCM sẽ dồn được “giặc Covid-19” vào một số điểm ít nhất có thể. Còn lại cơ bản trên địa bàn toàn TP.HCM sẽ trở về trạng thái bình thường mới”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM tập trung xét nghiệm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ cho đúng, cho trúng, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tập trung ưu tiên lực lượng đi xét nghiệm tại nhà những người thông báo có triệu chứng, người già yếu, có bệnh nền... TP.HCM cũng cần có mũi xét nghiệm sàng lọc ở những vùng, khu vực được đánh giá là tương đối an toàn để thiết lập những vùng an toàn vững chắc.

Về vắc xin phòng Covid-19, Phó thủ tướng cho biết T.Ư sẽ ưu tiên nguồn cho TP.HCM, tuy nhiên TP.HCM phải lập kế hoạch tổ chức tiêm rất chi tiết. Các điểm tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định, đặc biệt là bảo đảm khoảng cách, không được tập trung đông người.

Chí Hiếu

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Đội tham mưu Công an Q.10 cho biết sau 3 ngày TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, người ra đường chủ yếu là cán bộ đi làm trong địa bàn quận. Trường hợp người dân xin qua chốt thì chủ yếu là đi mua thực phẩm, mua thuốc men, shipper giao hàng, xe tải của các công ty kinh doanh dịch vụ thiết yếu... Các trường hợp này đều xuất trình được các giấy tờ chứng minh nên được cho qua. Đối với các trường hợp không mang giấy tờ, không chứng minh được ra đường có lý do chính đáng thì buộc phải quay đầu.

Không có chuyện lưu thông trong nội ô phải trình giấy xét nghiệm âm tính

Liên quan thông tin trên mạng xã hội cho rằng người dân phải có xét nghiệm âm tính khi qua chốt kiểm soát Covid-19 trên các tuyến đường ở TP.HCM, trả lời Thanh Niên chiều 11.7, thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), khẳng định tại 12 chốt kiểm soát ở khu vực cửa ngõ do Công an TP.HCM quản lý mới yêu cầu người dân có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 khi ra vào TP.HCM (12 chốt trên các tuyến đường kết nối 4 tỉnh giáp ranh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai). Còn lưu thông trong nội ô TP.HCM không cần giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.

Lãnh đạo một số đội CSGT trực chốt ở các quận như: Bình Thạnh, Gò Vấp, Q.3, Phú Nhuận... cũng khẳng định hiện chưa yêu cầu người dân hay shipper qua chốt, đi đường phải có giấy xét nghiệm âm tính. Tại các chốt, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra xác nhận đi lại, lý do ra đường của người dân xem có chính đáng không. Đối với shipper, lực lượng chức năng không căn cứ trên đồng phục, mà sẽ kiểm tra app. Nếu trên app hiện địa điểm giao, nhận hàng nằm trong quận thì shipper mới được qua chốt. Riêng một số quận như Bình Thạnh, Gò Vấp hiện chỉ giải quyết cho shipper đi giao các mặt hàng thiết yếu, các trường hợp khác tạm thời không giải quyết trong thời gian này.

Cán bộ CSGT tại chốt Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) cho biết: “Hôm nay (11.7) xe lưu thông chủ yếu là giao hàng, xe ôm công nghệ, dịch vụ giao hàng ra vào Q.Gò Vấp. Do đó, chúng tôi kiểm tra rất kỹ giấy tờ của những người này, nếu giấy tờ đầy đủ và lý do chính đáng thì lưu thông qua chốt, nếu không sẽ đề nghị quay đầu”. Theo đó, lực lượng chức năng tại chốt sẽ yêu cầu kiểm tra đơn hàng thiết yếu của shipper, chỉ những tài xế đang vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, hoặc đi chợ theo đơn hàng mới được tiếp tục lưu thông.

Ngoài ra, các tài xế của dịch vụ giao hàng khác cũng được kiểm tra điểm giao hàng trước cùng với giấy thông hành do công ty cung cấp cũng sẽ được lưu thông tiếp.

Thanh Niên

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Sáng 12/7, Việt Nam có 662 ca mắc COVID-19 (12/07/2021)

>   Qua các chốt kiểm soát ở TP.HCM cần giấy xét nghiệm âm tính: Thực hư thế nào? (11/07/2021)

>   Tối 11/7, Việt Nam thêm 713 ca mắc COVID-19, có 262 ca đang truy vết (11/07/2021)

>   Quận Bình Tân gỡ phong tỏa nhiều nơi ở phường An Lạc (11/07/2021)

>   Trưa 11.7, TP.HCM phát hiện thêm 600 ca nhiễm Covid-19 (11/07/2021)

>   Tại sao nhiều người dân TP.HCM chưa có giấy chứng nhận tiêm vaccine? (11/07/2021)

>   Sáng 11/7, Việt Nam có 607 ca mắc COVID-19 (11/07/2021)

>   Tối 10/7 thêm 463 bệnh nhân COVID-19, Bình Dương 140 ca, Hà Nội 5 trường hợp (10/07/2021)

>   Trưa 10.7, cả nước có thêm 792 bệnh nhân Covid-19 (10/07/2021)

>   Hôm nay, 1 triệu liều vắc xin Moderna được chuyển đến TP.HCM (10/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật