Thu nhập giảm, thu thuế cá nhân tăng
Thu nhập bình quân của người dân giảm trong khi số thuế thu nhập cá nhân gia tăng.
Giá rau củ quả tại TP.HCM đã tăng mạnh so với trước. Ảnh: M.Phương
|
Thu nhập giảm 1%, chi tiêu tăng 13%
Báo cáo về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện vừa công bố cho biết thu nhập bình quân/người/tháng cả nước năm vừa qua theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Ngược lại, mức chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng/người/tháng. Mức chi tiêu của người dân Việt Nam vẫn chủ yếu là chi cho đời sống, đạt bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu, trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,35 triệu đồng và không phải ăn uống là gần 1,37 triệu đồng. Ngoài chi tiêu cho ăn uống, báo cáo cũng chỉ ra rằng trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học trong 12 tháng, tăng khoảng 7% so với năm 2018. Riêng ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học trong 12 tháng, cao hơn hộ nông thôn 2,1 lần; nhóm hộ giàu nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018. Bên cạnh đó, trong năm qua cũng có 35,7% dân số khám chữa bệnh trong năm 2020 và chi tiêu trung bình 1 người có khám chữa bệnh là khoảng 3 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê nhận định: mức chi tiêu của người dân trong năm qua tăng 13% so với năm 2018 nhưng đây là mức tăng chậm hơn so với những năm trước đó (bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016) do người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đồng thời, trong năm 2020, tỷ lệ hộ có mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua là 34,4%, thấp nhất trong giai đoạn 2010 - 2020, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc giảm mua sắm cho đồ dùng lâu bền trong thời gian này cũng cho thấy nghiều người thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những khoản chi mua tài sản có giá trị tương đối lớn.
Thu thuế thu nhập cá nhân tăng vọt
Thu nhập bình quân của người dân giảm và chi tiêu đều gia tăng nhưng số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà cơ quan thuế thu được vẫn tăng mạnh. Số liệu từ Tổng cục Thuế công bố cho hay, 6 tháng đầu năm nay thuế TNCN thu được ước đạt 73.027 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức này hiện cao nhất kể từ khi luật Thuế TNCN đi vào thực thi (tăng dần qua từng năm, 6 tháng năm 2020 cao nhất chỉ đạt hơn 63.700 tỉ đồng). Dù theo lý giải của Tổng cục Thuế, chủ yếu mức tăng là do số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán tăng gấp 2,91 lần, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 78,2% và từ chuyển nhượng bất động sản tăng 68,8% nhưng thuế thu từ những người làm công ăn lương vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trên thực tế, hàng triệu người lao động đều đang đóng đủ số thuế hằng tháng.
Ví dụ cuối tháng 6, chị Mai (Q.3, TP.HCM) nhận phiếu lương với mức khấu trừ thuế thu nhập gần 6 triệu đồng, chiếm hơn 50% số lương cơ bản khiến chị choáng váng. Trước đó vào tháng 5, số thuế TNCN mà chị phải đóng cũng ở mức tương tự. Theo chị Mai, từ hơn một năm trước, khi dịch Covid-19 diễn ra mạnh thì lương của công ty đã điều chỉnh giảm 20% và đến nay vẫn chưa phục hồi. Dù vậy thuế TNCN vẫn thu đủ hằng tháng và không thiếu đồng nào. Trong khi vật giá liên tục leo thang, nhất là hiện nay khi TP.HCM thực hiện giãn cách thì chỉ riêng tiền chợ cho gia đình đã tăng gần gấp đôi so với trước vì hàng nào cũng tăng giá, thậm chí rau củ quả tăng gấp 2-3 lần nên càng khiến cho chị lo lắng. Đáng chú ý, trong khi đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều có các chính sách hỗ trợ như giảm, giãn thuế, giảm lãi vay thì việc bản thân người làm công ăn lương vẫn bị trừ thuế không thiếu đồng nào đã khiến họ thấy mình hoàn toàn bị “bỏ lơ”.
Số thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2021 tăng vọt. Ảnh: Ngọc Dương
|
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, cho rằng giữa năm 2020, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là theo quy định của Quốc hội khi lạm phát gia tăng. Trong khi đó trước đây, vào năm 2009 khi ban hành chính sách thuế TNCN, mức khởi điểm khấu trừ gia cảnh là 4 triệu đồng và chỉ 4 năm sau, đến 2013 mức này đã được nâng lên 9 triệu đồng, tương ứng tăng 125%. Thế nhưng mức khởi điểm này đến tháng 7.2020 chỉ được điều chỉnh lên 11 triệu đồng là vì trượt giá. Vì vậy đã 8 năm trôi qua nhưng mức giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh là không hợp lý.
Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động đủ mọi thành phần đều bị ảnh hưởng nặng nề trong khi chi phí cơ bản cho đời sống lại tăng cao nên càng khó hơn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân sẽ tìm mọi cách "lách" thuế, doanh nghiệp cũng ráng suy nghĩ để nhân viên giảm nộp thuế như chế ra nhiều loại phụ cấp, công tác phí... Hơn nữa, chính sách thuế TNCN áp dụng lũy tiến với 5 bậc hiện nay lên đến 35% là quá cao.
Vì vậy, Luật sư Trần Xoa cho rằng trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh được giảm, chậm nộp đến hết năm thì cũng cần xem xét áp dụng tương tự với thuế TNCN. Thậm chí nên gia hạn đến tháng 6.2022 khi về cơ bản Việt Nam đã có đủ vắc xin để tiêm cho người dân, các doanh nghiệp hoạt động ổn định lại thì sẽ bắt đầu thu thuế TNCN trong năm 2021. Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm xem xét, có chính sách giảm một phần thuế TNCN, tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế hiện nay xuống thấp hơn như thu gọn lại chỉ còn 4 bậc là 5%, 10%, 20% và 30%. Đồng thời, nên nâng mức khởi điểm chiết trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 20 triệu đồng để đảm bảo đời sống của người dân...
Mai Phương
Thanh niên
|