Chủ Nhật, 18/07/2021 21:30

Thông tư 03 - mới ra đã e lạc hậu!

Có lẽ vào thời điểm ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không lường trước sẽ có thêm một đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng như hiện nay.

Tái cơ cấu nợ - khách hàng vẫn gặp khó

Sau ba tháng dằng dặc chờ đợi, đầu tháng 4 năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Liệu Thông tư 03 có sớm được sửa đổi trong tương lai gần để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như mở đường cho ngân hàng rộng tay hơn với chính sách tái cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng?

Theo thông tư có hiệu lực từ ngày 17-5 vừa qua này, các ngân hàng sẽ được phép tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 cho đến hết năm nay.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Chính quy định này đang đặt ra không ít thách thức cho những khách hàng được tái cơ cấu nợ và cũng được cho là thiếu khả thi.

Ví dụ một khách hàng có phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/ hoặc lãi trong tháng 7 này và đủ điều kiện để được hưởng chính sách tái cơ cấu nợ, ngân hàng sẽ thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho khách hàng đến tháng 7-2022, đáp ứng quy định không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa khách hàng sẽ được bắt đầu hoàn trả toàn bộ khoản nợ gốc và/ hoặc lãi từ kỳ tháng 7 năm sau, mà ngân hàng có thể phân bổ thành nhiều kỳ hạn trả nợ trong vòng 12 tháng tới để sao cho mọi nghĩa vụ tài chính của khách hàng phải hoàn tất trước khi đến hạn, nhằm hạn chế rủi ro cho chính mình.

Theo đó, một số khách hàng đã phản ánh rằng tuy được ngân hàng cho phép cơ cấu nợ bốn tháng - tức được hoãn trả tiền gốc và lãi trong bốn tháng dịch bệnh, nhưng sau đó số tiền gốc và lãi của bốn tháng này sẽ cộng dồn và chia đều để phải trả trong tối đa tám tháng tiếp theo.

Với thực tế tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lên mọi mặt xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng, nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí phải dừng hẳn mỗi khi địa phương áp đặt giãn cách xã hội. Rõ ràng, dù có thể đáp ứng điều kiện tái cơ cấu nhưng với ràng cuộc vẫn phải đảm bảo thanh toán hết khoản vay ngay trong một năm từ lúc bắt đầu cơ cấu nợ theo quy định, không nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay và triển vọng tương lai vẫn chưa thật sự rõ ràng, các doanh nghiệp có khi phải mất hàng năm trời mới hồi phục lại được doanh thu như trước, thì việc cho tạm ngưng trả nợ một vài tháng nhưng áp lực nợ tăng ngay sau đó là chưa thật sự hỗ trợ doanh nghiệp để thoát khỏi khó khăn. Chính vì vậy, dễ hiểu vì sao nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn.

Đó là chưa nói đến việc không ít khách hàng dù thực tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã làm đơn đề nghị được phép tái cơ cấu nợ hoặc xin hỗ trợ giảm lãi suất của các khoản vay hiện tại, nhưng không dễ để được đáp ứng kịp thời. Cũng theo Thông tư 03, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng chỉ thực hiện đến ngày 31-12-2021, tức chỉ còn năm tháng rưỡi nữa. Trước tình hình này, nếu khách hàng có được giảm lãi suất trong thời gian tới thì rõ ràng thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ này cũng không còn được bao nhiêu.

Thế khó của ngân hàng

Với những khó khăn nêu trên, nhiều khách hàng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề đã có kiến nghị thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, nên được nới rộng hơn, tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ. Có như thế mới mong đủ thời gian để các doanh nghiệp thật sự phục hồi trở lại, đảm bảo năng lực tài chính để hoàn trả khoản vay.

Đến cuối tháng 5-2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ khoảng 336.633 tỉ đồng, tức chỉ tăng thêm khoảng 2.600 tỉ đồng so với cuối năm 2020.

Việc nới rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng phải theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của từng khách hàng, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhất là khi nhìn vào đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đang diễn ra.

Dù vậy, về phía ngân hàng, việc triển khai chính sách tái cơ cấu nợ hiện nay cũng gặp không ít thách thức. Nếu như Thông tư 01 ban hành khẩn cấp hồi tháng 3 năm ngoái không cho ngân hàng có nhiều thời gian để suy xét trong việc thực hiện tái cơ cấu nợ, thì lần này, sau hơn một năm dịch bệnh đã diễn ra, các ngân hàng đã phần nào đánh giá được khả năng phục hồi của từng ngành nghề hoặc từng doanh nghiệp nói riêng, do đó buộc sẽ triển khai chính sách chặt chẽ hơn giai đoạn trước.

Ngoài ra, với việc các rủi ro hiện nay đã tăng lên, các ngân hàng càng phải cân nhắc và lựa chọn kỹ càng những doanh nghiệp nào còn có cơ hội để vực dậy, phục hồi thì mới có thể xem xét hỗ trợ, nếu không muốn thấy những khoản nợ tái cơ cấu rồi sẽ có lúc trở thành nợ xấu có khả năng mất vốn trong tương lai.

Ngoài việc các ngân hàng cũng không muốn kéo dài thời gian thu hồi nợ lâu vì càng tiềm ẩn rủi ro, với những khách hàng khó có khả năng phục hồi hoặc chỉ phục hồi một phần, một số ý kiến cho rằng khách hàng nên cắt lỗ sớm để hạn chế chi phí, giảm gánh nặng tài chính, vì dù có được tái cơ cấu nợ thì vẫn phải chịu áp lực tài chính chi trả trong tương lai.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 cũng quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về tỷ lệ trích lập dự phòng của các khoản vay tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, sẽ trích lập dần trong vòng ba năm với tỷ lệ phân bổ 30% trong năm 2021, đến cuối năm 2022 phải trích lập được tối thiểu 60% và đến cuối năm 2023 phải trích lập 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.

Điều này cũng sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng có nợ tái cơ cấu cao, do đó các ngân hàng càng phải cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ số dư nợ tái cơ cấu, tránh tình trạng tăng lên quá nhanh sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận ngay trong năm nay.

Một lý do khác khiến nợ tái cơ cấu cũng bị hạn chế về thời gian gia hạn là vì nếu điều chỉnh kỳ hạn trả nợ quá dài thì những khoản vay có tính chất ngắn hạn ban đầu này sẽ thành nợ trung và dài hạn, làm tăng tỷ trọng nợ trung và dài hạn của ngân hàng, gây áp lực lên các chỉ số an toàn như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhất là khi tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh giảm về chỉ còn 37% kể từ đầu tháng 10 năm nay, sau khi đã được gia hạn giữ nguyên ở 40% thêm một năm kể từ đầu tháng 10 năm ngoái. Khi đó, việc cho vay mới đối với các khoản vay trung và dài hạn sẽ bị hạn chế.

Trước các chính sách kiểm soát chặt chẽ các khoản vay tái cơ cấu vì những lý do kể trên, có thể thấy nợ tái cơ cấu toàn ngành đã không tăng thêm nhiều kể từ khi Thông tư 03 có hiệu lực cho đến nay. Số liệu cập nhật gần nhất đến cuối tháng 5 vừa qua cho thấy các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ khoảng 336.633 tỉ đồng, tức chỉ tăng thêm khoảng 2.600 tỉ đồng so với cuối năm 2020.

Có lẽ vào thời điểm ban hành Thông tư 03, NHNN cũng không lường trước sẽ có thêm một đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng như hiện nay. Liệu Thông tư 03 có sớm được sửa đổi trong tương lai gần để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như mở đường cho ngân hàng rộng tay hơn với chính sách tái cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng?

Thụy Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đồng thuận giảm lãi suất cho vay: Góc nhìn từ chính sách và thực tế (19/07/2021)

>   PG Bank: Giảm mạnh chi phí dự phòng, lãi trước thuế quý 2 gấp 2.7 lần cùng kỳ (18/07/2021)

>   Ngân hàng đầu tiên hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021  (17/07/2021)

>   Vietbank: Lãi trước thuế quý 2/2021 gấp 3.5 lần cùng kỳ  (17/07/2021)

>   VPBank tiếp tục giảm lãi suất cho vay sau các chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (17/07/2021)

>   VIB tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (17/07/2021)

>   Eximbank tiếp tục hoãn họp Đại hội (16/07/2021)

>   Giá USD thăng trầm  (16/07/2021)

>   Sacombank hoàn 100% phí chuyển đổi trả góp dịch vụ bảo hiểm  (16/07/2021)

>   Góc nhìn đa chiều về lãi suất (20/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật