Theo Quyết định 942 ban hành ngày 15-6 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 mới đây, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm “tiền ảo” dựa trên công nghệ blockchain (tiền mật mã), thời gian thực hiện từ năm 2021-2023. Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu bài viết cung cấp thông tin về việc các nước đang ứng xử với tiền mật mã như thế nào, dưới khía cạnh quản lý các sàn giao dịch, như một tài liệu tham khảo.
Trên thế giới, các nền tảng giao dịch chứng khoán, ngoại hối, phái sinh, hàng hóa và các tài sản tài chính khác được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt. Các nền tảng giao dịch này được phân loại thành các sở giao dịch chính thức hay hệ thống giao dịch thay thế (alternative trading systems - ATS)(1). Dù phân loại như thế nào, các nền tảng giao dịch này phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt được thiết kế để bảo vệ các nhà đầu tư và tránh sự mất ổn định của hệ thống tài chính.
Sự xuất hiện của các sàn giao dịch tiền mật mã
Vì các đồng tiền mật mã không có giá trị nên sàn giao dịch tiền mật mã không chỉ là nơi trao đổi giữa tiền mật mã và các loại tiền tệ khác như đô la Mỹ, bảng Anh, euro, mà nó còn cần là nơi thiết lập giá cả với sự tham gia của nhiều bên giao dịch khác nhau, giống như sàn giao dịch chứng khoán thông thường.
|
Dù mới xuất hiện gần đây, nhưng các sàn giao dịch tiền mật mã (cyprocurrency exchanges) thường hay gặp các vấn đề liên quan đến bảo mật và việc phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay trọng tâm của việc quản lý các sàn giao dịch tiền mật mã đang từng bước chuyển sang hoạt động cốt lõi của các sàn này, đó là hoạt động “giao dịch”.
Vào tháng 3-2021, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (The Commodity Futures Trading Commission - CFCT) đã phạt sàn giao dịch Coinbase 6,5 triệu đô la Mỹ vì các lý do: thiếu thận trọng, gây hiểu lầm hoặc không chính xác trong báo cáo cũng như các giao dịch “wash trade”(2) trên nền tảng GDAX của mình(3). Các sàn giao dịch tiền mật mã hàng đầu khác cũng bị điều tra về các giao dịch bao gồm Bitfinex và Binance.
Thiết kế ban đầu của bitcoin - tiền mật mã hàng đầu - là có thể giao dịch mà không cần thông qua bất kỳ một sàn giao dịch nào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch giữa bitcoin với các đồng tiền khác như đô la Mỹ, bảng Anh và euro.
Tuy nhiên, mạng lưới giao dịch này bị đóng cửa sau khi gặp các vấn đề về pháp lý. Phải mất 18 tháng kể từ khi bitcoin đi vào hoạt động, sàn giao dịch độc lập đầu tiên, bitcoinmarket.com, ra đời cho phép bitcoin được giao dịch với đô la Mỹ. Vì các đồng tiền mật mã không có giá trị nên sàn giao dịch tiền mật mã không chỉ là nơi trao đổi giữa tiền mật mã và các loại tiền tệ khác như đô la Mỹ, bảng Anh, euro, mà nó còn cần là nơi thiết lập giá cả với sự tham gia của nhiều bên giao dịch khác nhau, giống như sàn giao dịch chứng khoán thông thường.
Các sàn giao dịch tiền mật mã đang đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tiền mật mã, tuy nhiên do có sự khác biệt giữa tiền mật mã và các tài sản tài chính thông thường nên các hiểu biết về cách thức quản lý các sàn giao dịch tiền mật mã là rất quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Nội dung còn lại của bài viết sẽ trình bày tóm tắt các quy định đối với 16 sàn giao dịch tiền mật mã hàng đầu theo xếp hạng của cryptocompare.com đầu tháng 7-2021 (bảng 1)(4), trong đó có bảy sàn hình thành giá tham chiếu BitcoinCME(5).
16 sàn giao dịch tiền mật mã hàng đầu
Một số sàn còn xâm phạm quyền lợi của các nhà đầu tư mà nhà kinh tế Nouriel Roubini đã ví như trường hợp nhà điều hành sòng bài đặt cược với người chơi bài sau khi đã thấy các lá bài của người chơi.
|
Tuy nhiên, việc xác định tình trạng pháp lý của các sàn giao dịch này là rất khó khăn do cấu trúc phức tạp của chúng. Trong số 16 sàn giao dịch hàng đầu này, chỉ có bốn sàn giao dịch là phải tuân thủ các quy định chặt chẽ liên quan đến giao dịch.
Cụ thể, itBit, một sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ, được xem là an toàn nhất, khi chịu sự giám sát của Sở Dịch vụ tài chính New York (DFS) và phải đăng ký như một ngân hàng. Điều này có nghĩa là sàn giao dịch phải tuân theo các quy định chặt chẽ liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Hai sàn khác là eToroX và LMAX Digital hoạt động như các hệ thống giao dịch đa phương, chịu sự giám sát của Cơ quan Giám sát tài chính liên bang Đức và Cơ quan Quản lý tài chính của Anh (FCA). Tuy nhiên, việc giám sát hai sàn này chủ yếu liên quan đến các hoạt động thông thường của ngoại hối (FX) và cổ phiếu, hơn là tiền mật mã.
Sàn giao dịch Currency.com có trụ sở tại Belarus chịu sự kiểm soát toàn diện về việc báo cáo giao dịch, giám sát các hoạt động đáng ngờ, yêu cầu về phòng chống rửa tiền như sở giao dịch chứng khoán có trụ sở tại Belarus. Đây là điểm thú vị, vì Belarus không phải là một trung tâm tài chính thế giới.
Có bảy sàn giao dịch hoạt động với tư cách là doanh nghiệp dịch vụ tiền tệ (MSB) được cấp phép hoặc tương đương - bao gồm cả sàn giao dịch lớn là Coinbase. Khi hoạt động như một MSB, các sàn giao dịch phải đăng ký với Mạng lưới thực thi luật pháp về tội phạm tài chính (FinCEN) ở Mỹ, và FCA ở Anh. Tuy nhiên cần lưu ý, điều này không có nghĩa là hoạt động giao dịch của các sàn này sẽ chịu sự quản lý, điều tiết.
Ngược lại, có ba sàn giao dịch không chịu bất kỳ sự giám sát nào. Đó là Bittrex có trụ sở tại Liechtenstein, Bitfinex có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Anh và Luno ở Singapore. Đây cũng là các sàn giao dịch không được cấp phép bởi bất kỳ cơ quan quốc tế lớn nào trên thế giới.
Mặc dù việc đăng ký sàn giao dịch có thể mang lại sự đảm bảo nhất cho các nhà đầu tư, nhưng thời gian qua trọng tâm quản lý của các cơ quan quản lý đối với các sàn giao dịch tiền mật mã vẫn là chống rửa tiền và vấn đề thẩm định chuyên sâu (due diligence) chứ chưa tập trung sang hoạt động giao dịch ngoại trừ trường hợp các sàn lấn sân sang các lĩnh vực hoạt động tài chính được quy định khác. Chẳng hạn ở Anh, FCA chỉ quản lý các đồng tiền mật mã cho mục đích rửa tiền.
Ngoài ra, dù có nhiều sàn giao dịch công bố sở hữu giấy phép công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology) từ Ủy ban Dịch vụ tài chính Gibraltar, như Currency.com, eToro, LMAX Digital…, nhưng trên thực tế, dường như có rất ít sự giám sát liên tục đối với các sàn này sau khi được cấp phép(6).
Chính vì thiếu giám sát nên đã xảy ra trường hợp nhiều sàn giao dịch tiền mật mã thực hiện các hoạt động đáng ngờ, chẳng hạn như cung cấp đòn bẩy giao dịch cho khách hàng và giao dịch “wash trade”. Thậm chí một số sàn còn xâm phạm quyền lợi của các nhà đầu tư mà nhà kinh tế Nouriel Roubini đã ví như trường hợp nhà điều hành sòng bài đặt cược với người chơi bài sau khi đã thấy các lá bài của người chơi(7).