SCS báo lãi kỷ lục 150 tỷ đồng trong quý 2
Không hề chùn chân bởi dịch bệnh, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) chứng kiến mảng vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không tăng trưởng mạnh và ghi nhận quý có lãi cao nhất từ trước đến nay.
Giữa bức tranh ảm đạm của ngành hàng không, mảng vận chuyển hàng hóa dường như đang là điểm sáng duy nhất. Trong giai đoạn tháng 4-6/2021, SCS ghi nhận doanh thu thuần gần 212 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là mảng khai thác nhà ga, với doanh thu tăng từ 133 tỷ đồng lên hơn 199 tỷ đồng.
Đáng chú ý, biên lãi gộp của SCS cũng tăng lên 80%, tức 1 đồng doanh thu tăng lên sẽ mang về 0.8 đồng lãi gộp cho hãng kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa này. Con số này cao hơn mức 76.5% của cùng kỳ.
Trong kỳ, các khoản chi phí có tăng, nhưng không tăng mạnh bằng doanh thu. Kết quả là SCS ghi nhận lãi ròng hơn 150 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 2 của SCS
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Sau 6 tháng, SCS ghi nhận doanh thu thuần 408 tỷ đồng và lãi ròng gần 288 tỷ đồng, tăng tương ứng 24% và 30% so với cùng kỳ.
Lý giải cho kết quả lạc quan, SCS cho biết các hãng hàng không quốc tế hoạt động trở lại trong quý 2/2021 và nhờ đó Công ty có thêm hợp đồng mới và sản lượng khai thác trong kỳ tăng 45%.
Ngoài ra, theo tiết lộ của SCS tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không còn được hưởng lợi khi chuỗi cung ứng đường biển bị rối loạn.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, việc cước đường biển gia tăng mạnh cộng với rối loạn chuỗi cung ứng đường biển giữa Việt Nam và các đối tác thương mại chính (như EU và Mỹ) có tác động tích cực tới hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không, nhất là đối với các mặt hàng yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như hàng điện tử, hàng tươi sống...
Tại cuối quý 2/2021, SCS nắm 141 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng mạnh từ mức hơn 36 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Ngoài ra, Công ty cũng tăng mạnh tiền gửi có kỳ hạn từ 201 tỷ đồng lên 445 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ ngắn hạn của SCS tăng mạnh từ 74 tỷ đồng (đầu năm) lên 384 tỷ đồng, chủ yếu là do trong kỳ công ty có phần cổ tức phải trả lên tới 229 tỷ đồng (tăng từ mức gần 14 tỷ đồng của cùng kỳ) và xuất hiện khoản phải trả cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) lên tới 37.5 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 2 của SCS
|
Vũ Hạo
FILI
|