Dịch vụ
MBB bứt phá ấn tượng ngay nửa đầu năm 2021
Tính đến ngày 30/06, chỉ số VN-Index đã tăng ấn tượng hơn 300 điểm - tăng 25% so với đầu năm, trong khi đó giá cổ phiếu của Ngân hàng Quân Đội (MB, HOSE: MBB) có sự tăng mạnh hơn 90% từ mức 22,700 (ngày 1/1/2021) lên 43,450 đồng/cp (30/6/2021). Như vậy, cổ phiếu MBB đã liên tục vượt đỉnh của chính mình. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, MBB đã tăng gần 4%.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến độ “hot” như vậy của cổ phiếu MBB?
Tiềm năng phát triển của nhóm ngành ngân hàng
Trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và nền kinh tế tăng trưởng cao như hiện nay, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng được nhận định là sẽ hưởng lợi. Nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao kết hợp với chi phí huy động vốn thấp, NIM của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện trong năm nay. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng trong 2021.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc
Năm 2021, MB đặt mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất ở mức 13,200 tỷ đồng, tăng 20% so với 2020; tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 11% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp hơn 1.5%.
Trong quý 1 đầu năm, MB đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 4,580 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 35% so với kế hoạch ngân hàng đã đặt ra trước đó. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ cũng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 4,100 tỷ đồng.
Các chỉ số về hiệu quả hoạt động đều tốt hơn so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận trên tổng tài sản ROA đạt 2.71% (cùng kỳ đạt 1.59%). Lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt 27.24%, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 16.09. Tỷ lệ nợ xấu giảm 33 điểm và tỷ lệ CASA tăng 3.8 điểm so với cùng kỳ năm 2020 lên 36.9%. Đây là một trong những tỷ lệ CASA cao nhất của ngành ngân hàng. Lượng khách hàng mở mới của MBB tăng mạnh nhờ có các chương trình khuyến khích khách hàng mở mới tài khoản hiệu quả.
Trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2021 công bố ngày 05/07/2021, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của MB được kỳ vọng đạt 4 nghìn tỷ đồng đến 4.5 nghìn tỷ đồng, tăng 37-50% so với cùng kỳ, do tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng mẹ tính đến hết tháng 5 lần lượt đạt mức +10% và +6% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, nợ xấu được kiểm soát (dưới 1% tại ngân hàng mẹ) và NIM tiếp tục tăng.
Chiến lược kinh doanh năm 2021
Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với MB trên lộ trình hoàn thành mục tiêu chiến lược giai đoạn 2017-2021 và xây dựng chiến lược giai đoạn mới 2022-2026.
Để tạo ra những bước tiến nhanh, tiến chắc trên hành trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động của MB, trong năm 2021, MB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số, số hoá toàn diện hoạt động ngân hàng từ kinh doanh, vận hành, quản trị rủi ro và nhân lực. Nhờ đó, năng suất lao động được đẩy mạnh và chi phí hoạt động được giảm đi so với các năm trước.
Hiện tại, hoạt động của MBB đang tập trung chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (chiếm 59%). Tuy nhiên, trong năm 2021, MB sẽ triển khai đầu tư và xây dựng trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của ngân hàng tại đây. Ngân hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của công ty qua việc phát triển và khai thác tiềm năng tại khu vực phía Nam.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ
Ngày 13/07 tới đây, MB sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cố tức bằng cố phiếu tỷ lệ 35%. Với mức chia cổ tức bằng cổ phiếu này, MB sẽ nâng vốn điều lệ từ 27,987 tỷ lên hơn 38,600 tỷ đồng. Như vậy, trong thời gian tới, MB sẽ tạm vượt qua các ngân hàng khác để trở thành á quân vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng.
Vietinbank đang tiến hành triển khai những bước cuối cùng để nâng vốn điều lệ lên 48,000 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06, vốn điều lệ của Vietcombank ở mức 37,039 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đồng thường niên, ngân hàng VCB có phương án tăng vốn điều lệ lên trên 50,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Vietcombank chưa đưa ra thông báo thêm về việc triển khai tăng vốn này. Techcombank hiện tại đang có vốn điều lệ hơn 35,000 tỷ đồng và ngân hàng hiện không có kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm nay.
FILI
|