Lãnh đạo - ‘linh hồn’ của doanh nghiệp
Hình bóng của những người lãnh đạo phải luôn gắn liền và tồn tại cùng với doanh nghiệp. Người lãnh đạo cần xuất hiện nhiều hơn khi doanh nghiệp gặp khó khăn, sự cố nhưng cũng không thiếu vắng hoàn toàn khi doanh nghiệp phát triển, thành công...
Nhà đầu tư muốn biết liệu Ban lãnh đạo có chính trực, công bằng, vì lợi ích của cổ đông
Để đánh giá Ban lãnh đạo (BLĐ) của một doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) tập trung vào 2 yếu tố chủ chốt là năng lực và đạo đức của họ.
Trong thời đại số hiện nay, không khó để tìm thấy những thành tích đã có của BLĐ. Để đánh giá năng lực của BLĐ, NĐT có thể nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và các quyết định của BLĐ đưa đến kết quả đó. Không chỉ đánh giá kết quả hiện tại, mà cả kết quả quá khứ và tầm nhìn tương lai, cũng như sự linh hoạt của BLĐ.
Bên cạnh đó, NĐT cũng xem xét BLĐ của doanh nghiệp mà họ muốn tìm hiểu: Có chính trực không? Có công bằng với cổ đông không? Có làm việc vì lợi ích của cổ đông không?... thông qua các hoạt động chia cổ tức, phát hành, giao dịch mua bán cổ phiếu,…
Muốn rõ hơn ý đồ, thái độ và đạo đức của BLĐ, cách tốt hơn hết là NĐT thông qua các cuộc gặp mặt trực tiếp, cuộc họp cổ đông,… để đặt câu hỏi với BLĐ. Những câu hỏi này để biết được BLĐ có quyết tâm tăng trưởng doanh thu hay không; có đang che giấu những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp hay minh bạch nói ra để tìm cách giải quyết; tầm nhìn của BLĐ như thế nào,…
Thực tế, có những trường hợp không chỉ vì năng lực, mà còn vì vấn đề đạo đức của BLĐ mà dẫn đến sự suy vong của một doanh nghiệp.
Có lãnh đạo doanh nghiệp thông qua truyền thông hô hào cổ đông mua cổ phiếu phát hành thêm, cam kết giá cổ phiếu sẽ sớm tăng mạnh với kết quả kinh doanh tuyệt vời, nhưng phía sau lại âm thầm bán ra, kéo giá cổ phiếu giảm sâu và sau đó chấp nhận các hình phạt của cơ quan quản lý vì giao dịch chui. Tất nhiên, mức phạt khiêm tốn này chẳng là gì so với lợi nhuận từ các giao dịch mang lại.
Thậm chí, có doanh nghiệp từng có thời kinh doanh hiệu quả nhưng chủ tịch sau đó lập công ty sân sau rồi chuyển dần giá trị của doanh nghiệp đang niêm yết sang công ty riêng thông qua các hợp đồng làm ăn, thủ thuật tài chính.
NĐT có thể tin lầm lần 1, lần 2 nhưng đến lần thứ 3 thì khó còn niềm tin.
Uy tín của người lãnh đạo là vô giá
Những thực tế trên cho thấy uy tín của của người lãnh đạo doanh nghiệp là vô giá.
Liên quan đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), BLĐ phải trung thực khi nói tới các vấn đề của doanh nghiệp, thẳn thắn chia sẻ với NĐT những mặt thuận lợi và khó khăn chung của ngành, bản chất mô hình doanh nghiệp, chính sách liên quan… tại các cuộc gặp gỡ NĐT, ĐHĐCĐ. Việc giấu những điểm bất lợi và chỉ nói đến những điều tuyệt vời là điểm chung của những doanh nghiệp xấu.
Về việc công bố thông tin, doanh nghiệp nên cập nhật báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo quy định, các báo cáo và thông cáo báo chí phải khách quan; trình bày đầy đủ, chi tiết các khoản mục trong thuyết minh BCTC. BLĐ phải coi cổ đông như đối tác, đối xử công bằng với các cổ đông qua việc cung cấp thông tin, chứ không nên ưu tiên những cổ đông lớn hay sân sau.
BLĐ nên hạn chế những phát ngôn đại loại như “giá cổ phiếu đã về rất thấp, cổ đông nên mua vào” hay “cuối năm nay, giá cổ phiếu của doanh nghiệp chúng ta sẽ tăng x lần”. Thông thường, thị giá cổ phiếu đã phản ánh giá trị và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện, những nhà đầu tư nhạy bén sẽ sớm "đánh hơi" được và chủ động rót tiền, không cần đến những lời hứa hẹn.
Hình bóng của người lãnh đạo phải luôn gắn liền và tồn tại cùng với doanh nghiệp. Người lãnh đạo cần xuất hiện nhiều hơn khi doanh nghiệp gặp khó khăn, sự cố nhưng cũng không thiếu vắng hoàn toàn khi doanh nghiệp phát triển, thành công... Lãnh đạo - chính là “linh hồn” của doanh nghiệp.
Gia Nghi
FILI
|