Làn sóng đổi chủ ở các CTCK nhỏ: Thêm nhiều “tay to” gia nhập cuộc chơi
Chuyện thay tên đổi chủ ở các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn thường thấy trên thị trường chứng khoán. Gần đây, nhiều CTCK nhỏ có sự biến động lớn về sở hữu.
Thị trường Việt Nam có không ít CTCK tuy nhiên, luôn tồn tại sự phân hóa về thị phần cũng như trong kết quả kinh doanh của nhóm này. Top 10 thị phần chiếm hơn 65% thị phần môi giới trên sàn HOSE. Phần còn lại do hơn 60 công ty chia nhau, rõ ràng chênh lệch nhiều so với những ông lớn.
Kết quả kinh doanh của các CTCK nhỏ cũng hoàn toàn lép vế. Quý 1/2021, chỉ riêng 10 ông lớn về thị phần có lãi sau thuế chiếm gần 60% toàn khối, đạt gần 2.9 ngàn tỷ đồng.
Một bất lợi khác của các CTCK nhỏ là về vốn, theo quy định, một CTCK muốn có thể thực hiện đủ các yêu cầu về nghiệp vụ kinh doanh cơ bản như môi giới, tư vấn, tự doanh thì cần vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng. Chưa kể nếu muốn cung cấp dịch vụ đối với thị trường phái sinh, phát hành chứng quyền… thì đòi hỏi vốn điều lệ tối thiểu là 1,000 tỷ đồng.
Làn sóng đổi chủ ở CTCK nhỏ
Đối diện với bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản, các công ty chứng khoán (CTCK) được dự báo là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Không chỉ các ông lớn, nhóm CTCK nhỏ cũng đang bước vào cuộc tái cấu trúc đi kèm với “thay máu” cổ đông.
Ngày 16/06, cổ đông lớn của CTCK Đông Nam Á (Aseansc) là Tài chính và Thương mại Tấn Phát đã chuyển nhượng hơn 20% vốn, giảm sở hữu còn 22.91%.
Ở chiều ngược lại, Dịch vụ thương mại và sản xuất Thịnh Vượng nâng sở hữu lên 11.58%. Công ty có thêm một cổ đông mới là Đầu tư và Phát triển Dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội sở hữu 13.3% vốn.
Biến động cổ đông lớn ở Aseansc
|
Trong tháng 6, CTCK Đại Việt (DVSC) cũng công bố giao dịch chuyển nhượng hơn 34.38% vốn. Bà Trần Thị Bích Thùy nhận chuyển nhượng gần 8.6 triệu cp từ 4 cổ đông lớn của Công ty.
Biến động cổ đông lớn ở DVSC
|
Tại CTCK Việt Nam Gateway (HRS), sau một loạt thương vụ chuyển nhượng, bà Trần Thị Thu Hằng trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Vào tháng 1/2021, ông Diệp Vĩnh Thành đã chuyển nhượng 23.7% vốn. Ở chiều ngược lại, bà Trần Thị Thu Hằng nhận 9.7% vốn, ông Đinh Hữu Thật nhận 5% vốn, bà Nguyễn Thị Mai Hương (4%).
Đến tháng 2/2021, bà Hằng tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm 41.3% vốn Chứng khoán Việt Nam Gateway từ các nhà đầu tư cá nhân, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Sau cuộc “thay máu”, CTCK Việt Nam Gateway (HRS) đã đổi tên thành Chứng khoán KS hồi tháng 3/2021. Quyết định này được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ của Công ty tổ chức trước đó. Bên cạnh việc đổi tên, Công ty cũng có hàng loạt động thái cải tổ về mặt tổ chức. Toàn bộ thành viên HĐQT cũ của đơn vị này đã xin từ nhiệm, ĐHĐCĐ đã bầu mới 3 thành viên HĐQT. Trong đó, bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty.
Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) cũng đổi chủ khi cổ đông lớn nhất Việt Nam Equity thoái hết vốn hồi cuối năm 2020, thay vào đó là sự xuất hiện ba cổ đông lớn cá nhân sở hữu hơn 75% vốn.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Anh trở thành cổ đông lớn từ ngày 31/12/2020, sở hữu gần 1.5 triệu cp, tương đương 25% vốn DSC. Ông Đức Anh được bầu làm Chủ tịch HĐQT của DSC sau cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi đầu tháng 1/2021.
Sắp tới, CTCK này sẽ phát hành riêng lẻ 94 triệu cp cho cổ đông chiến lược nhằm tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng. Ngay trong đợt phát hành , CTCP Đầu tư NTP đăng ký mua 70 triệu cp, tương ứng sở hữu 70% vốn tại DSC nếu đợt phát hành thành công. Theo tìm hiểu của người viết, ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch hiện tại của DSC cũng chính là chủ tịch của Đầu tư NTP.
Trước đó vào tháng 9/2020, tại Chứng khoán SJC (SJCS), Công ty Quản lý quỹ Asam Asset Management đến từ Hàn Quốc nhận chuyển nhượng hơn 65% cp. Vài ngày trước khi có thông báo nhận chuyển nhượng số cổ phần đó, nhà đầu tư này đã đánh dấu sự hiện diện tại Chứng khoán SJC thông qua việc đưa ông Kim Hwan Kyoon vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Nguyễn Văn Liêm. Các vị trí quan trọng như Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát... cũng đều thay đổi.
“Tay to” mua lại CTCK nhỏ vì không được cấp phép mở mới?
Trong quá khứ, khi làn sóng vốn ngoại đổ vào ngành chứng khoán nhằm mua lại CTCK nhỏ trong nước của khối ngoại cũng từng rầm rộ có thể kể tới thương vụ mua lại và tái cấu trúc ở Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán NHSV, Chứng khoán Pinetree…
Gần đây, nhiều thương vụ thâu tóm cũng đến từ các cổ đông nội như ở Chứng khoán TPS, Chứng khoán KS, Chứng khoán Thành Công (TCSC), Chứng khoán Đại Nam (DNSE)…
Hầu hết chủ mới ở các CTCK này đều có tiềm lực tài chính, thể hiện qua những đợt tăng vốn mạnh sau khi hoàn tất thâu tóm.
Chứng khoán TPS tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng trong quý 4/2020, sắp tới cũng sẽ tiếp tục tăng vốn lên mức 2,000 tỷ đồng.
Sau loạt thay đổi về mặt tổ chức, Chứng khoán KS dự kiến sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:8.05 để tăng vốn lên hơn 1,000 tỷ đồng.
TCSC sắp tới dự kiến tăng vốn từ 495 tỷ lên 1,009 tỷ đồng, DNSE cũng đang có kế hoạch tăng vốn từ 160 tỷ lên 1,000 tỷ.
Làn sóng tăng vốn này bắt nguồn từ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán không thời hạn. Do đó, dù có tiềm lực tài chính nhưng nhiều “tay to” gặp phải rào cản gia nhập ngành này. Vì vậy, việc mua lại công ty chứng khoán là cách khả dĩ nhất hiện tại để sở hữu giấy phép.
Mục tiêu của “tay to” là các Công ty có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả. Các CTCK sau khi được mua lại sẽ thay tên, tái cơ cấu và sẵn sàng gia nhập thị trường với nguồn lực lớn từ chủ sở hữu mới.
Đây sẽ là điều làm cho cuộc cạnh tranh trong nhóm CTCK ngày càng khốc liệt, tuy không thay đổi về số lượng nhưng sân chơi vốn đã đông giờ lại thêm phần chật chội vì các tay chơi có nguồn lực nhập cuộc. Các CTCK lớn hiện tại sẽ chịu áp lực từ các đối thủ cạnh tranh mới.
Chí Kiên
FILI
|