Thứ Hai, 26/07/2021 13:03

"Khổ" vì giấy xét nghiệm, "rối bời" vì quy định, doanh nghiệp vận tải kêu trời

"Nếu cứ yêu cầu 3 ngày phải xét nghiệm một lần, tôi thấy không cần thiết, quá tốn kém. Sau này, chúng ta nên xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, tạo hành lang pháp lý để lái xe, đơn vị bốc xếp, tiếp nhận hàng hoá"...

Doanh nghiệp vận tải kêu khổ vì mỗi nơi mỗi kiểu.

PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, bày tỏ quan điểm tại tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19” được tổ chức ngày 26/7.

Thời gian qua, việc phòng chống dịch cực đoan, máy móc ở nhiều địa phương, hay áp dụng văn bản hướng dẫn nhiều sai khác, dẫn đến nhiều phản ứng, bức xúc của các doanh nghiệp vận tải. 

"RỐI BỜI" VÌ QUY ĐỊNH CỦA CÁC TỈNH

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam giãi bày, Hiệp hội thường xuyên nhận được thông tin phản ánh từ phía địa phương cũng như doanh nghiệp hội viên. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "So với trước dịch, vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hoá giảm sút 20-30%. Số xe phải nằm liệt trên bãi có thời điểm lên tới hơn 50%", ông Quyền chỉ rõ.

Trong khi đó, chi phí tăng lên rõ rệt, nhất là điều kiện làm việc của anh em lái xe cũng rất khó khăn, do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch. Đặc biệt, khâu vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn, do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường.

Điều này dẫn đến kéo dài thời gian phương tiện lưu thông, kéo dài thời gian các vận chuyển. Đáng chú ý, nhiều đơn vị vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hoá nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó khi lưu thông trên đường cũng phát sinh khó khăn.

Sở hữu đội xe gần 200 phương tiện, Công ty TNHH Quốc tế Delta  hàng ngày thực hiện hơn 300 chuyến xe tải và trên 60 chuyến container. Tuy nhiên, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta đau xót nói “thời gian qua, quá trình các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, gây nên nhiều ảnh hưởng đến vận tải đường bộ. Không có cơ quan nào đứng ra lĩnh xướng biện pháp phòng dịch, dẫn tới khó khăn ở khắp mọi nơi cho doanh nghiệp. Chúng tôi đang trong trạng thái kiệt quệ sau hơn một năm chịu tác động của dịch bệnh”.

Doanh thu suy giảm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh do các địa phương đặt ra làm tăng chi phí. Ông Nghĩa minh hoạ, một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp.

Dẫn chứng sự thiếu nhất quán tại các địa phương khác nhau, ông Nghĩa cảm thấy khó hiểu khi “chốt ngoài cùng địa phận Quảng Ninh đã phải xét nghiệm rồi, vào cửa khẩu lại phải test lại”.

Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương ứng xử thế nào đối với đường quốc lộ. Tại Hải Dương, khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa Quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Mới đây nhất, là sự khác biệt giữa TP. HCM và Hà Nội. Ở Hà Nội, trong khi quốc lộ 1A qua địa bàn TP.HCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tại Hà Nội đã nhất quán quan điểm đóng cửa Quốc lộ 1A để phong toả địa bàn. “Tôi cho rằng, chúng ta có rất nhiều lựa chọn khác để đảm bảo quá trình lưu thông hàng trên tuyến quốc lộ quốc gia”, ông Nghĩa quả quyết.

Ngoài ra, khi áp dụng các quy định, hầu như các địa phương có xu hướng áp dụng quy định đột ngột, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp đang di chuyển trên đường, nên chưa thể cập nhật thông tin. Hiệp hội chúng tôi ước, mỗi ngày ách tắc đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

QUY ĐỊNH CẦN THỐNG NHẤT, TRÁNH ÁCH TẮC

Là một đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Bắc, ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng khẳng định, trong 4 lần dịch vừa qua, Hải Phòng làm công tác phòng chống dịch tốt. Gần đây, một số lây nhiễm liên quan đến hoạt động vận tải, nhà xe Trung Đức, hay lái xe đi từ Vũng Tàu đã khiến nguy cơ lây nhiễm từ lái xe, phụ xe ra cộng đồng rất cao, Ban chỉ đạo thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn đội ngũ lái xe.

Hiện nay, xe đang được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng và không còn ùn tắc giao thông. Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe, bãi xe bố trí nơi xét nghiệm Covid-19 và trả kết quả ngay trong vòng không quá 20 phút, thuận lợi cho lái xe, phụ xe, những người thực hiện nhiệm vụ lưu thông hàng hoá. Hay vận động các doanh nghiệp bố trí cho các lái xe, phụ xe ở tập trung, không ra ngoài cộng đồng, hạn chế việc lây lan ra cộng đồng.

Dù Hải Phòng có những cách làm khác trong quá trình thực hiện, phòng chống dịch, nhưng đã đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo theo yêu cầu về phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh và của Bộ Y tế, theo diễn biến theo thực tế dịch bệnh.

Liên quan đến sáng kiến "luồng xanh" thời gian qua, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho hay hiện nhiều người vẫn chưa hiểu hết định nghĩa này và còn thấy rất mới.

Cụ thể, luồng xanh vận tải được triển khai khi các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 16. Trong giai đoạn này, yêu cầu cần có giải pháp đột phá tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi, nên cần xây dựng luồng xanh.

Luồng xanh là các phương tiện được đi trên một số tuyến giao thông cụ thể và trên tuyến đó sẽ được tạo điều kiện thuận tiện để lưu thông. Việc cấp thẻ nhận diện để các phương tiện lưu thông luồng xanh được các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện. 

Theo bà Hiền, thời gian qua, đã có nhiều đơn vị vận tải tổ chức quản lý lái xe trước và sau chuyến đi. Một số doanh nghiệp gom chung lái xe lại, thực hiện “3 tại chỗ", trước, trong và sau vận chuyển, hạn chế lái xe tiếp xúc với người bên ngoài để phòng ngừa dịch bệnh cho lái xe cũng như để lái xe nếu có mầm bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, bản chất chống dịch là làm sao để ngăn chặn sự lây lan. Phải chăng ưu tiên đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc thay vì hạn chế hoàn toàn. Đáng nói trong bối cảnh hiện nay việc lấy được giấy xét nghiệm rất khó khăn nhất là tại địa phương không có đủ điều kiện. Do đó, "Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia nên có hướng dẫn thống nhất ngay tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng theo một kiểu, góp phần tạo ra sự bình ổn và lưu thông hàng hoá tốt hơn", ông Hải nhấn mạnh.

PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.

Nhiều địa phương làm quá chậm, máy móc. Như tại Hải Dương trước đây, chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều về việc vận chuyển hàng hoá nhưng không giải quyết được. Nhưng tại Bắc Giang sau đó, toàn bộ mấy trăm nghìn tấn vải thiều vẫn chuyển đi được.

Xét nghiệm chỉ là một giải pháp trong tất cả chứ không phải trên hết. Bởi vì, qua phân tích, con số 72 giờ chỉ là tương đối. Bởi kết quả xét nghiệm chỉ đánh giá lúc thời điểm được lấy mẫu xét nghiệm, người được xét nghiệm không bị nhiễm. Hoặc nếu mới mắc 1-2 ngày, virus chưa ra hầu họng, xét nghiệm có thể chưa chính xác. Hoặc sau khi xét nghiệm âm tính, nhiều lái xe lại chủ quan, đi trên đường không đảm bảo phòng dịch, lại nhiễm lại trở thành nguồn gây nhiễm bệnh.

Nếu cứ yêu cầu 3 ngày phải xét nghiệm lại một lần thì tôi thấy không cần thiết, quá tốn kém. Tôi cho rằng, sau này, chúng ta nên xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, tạo hành lang pháp lý để lái xe, đơn vị bốc xếp, tiếp nhận hàng hoá, không chỉ hàng hoá thiết yếu mà hàng hoá nói chung, hàng hoá xuất khẩu, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là vô cùng quan trọng, tránh gây đứt gãy.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam.

“Hiện mới chỉ cấp giấy nhận diện cho phương tiện, còn lái xe và người trên xe thì chưa cấp. Do đó, người trên xe phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế như có giấy xét nghiệm âm tính, hạn chế tiếp xúc. Luồng xanh ưu tiên cho xe qua nhưng không có nghĩa buông lỏng phòng chống dịch. Đây là tiêu chí bắt buộc với xe luồng xanh. Bởi mỗi lái xe đều có thể có rủi ro khi đi vào vùng dịch, có thể là tác nhân đưa mầm bệnh ra cộng đồng. Do đó, phải đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng chống dịch từ lái xe, người đi trên xe.

Trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và theo báo cáo từ các Sở Giao thông vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 phương tiện lưu thông bằng giấy nhận diện luồng xanh. Số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện luồng xanh tăng rất cao, gây nên sự quá tải đột ngột, tạm thời với cơ quan quản lý nhà nước”.

Ánh Tuyết

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển công nghiệp (26/07/2021)

>   Dừng hoạt động cảng cá lớn nhất miền Trung 7 ngày để chống dịch (25/07/2021)

>   Đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu Hà Nội - Hải Phòng (25/07/2021)

>   Cà Mau: Từ 0 giờ ngày 26.7 sẽ thực hiện phương án '3 tại chỗ' (25/07/2021)

>   Sở Y tế TP.HCM: Kịch bản tiếp nhận, điều trị 100.000 ca Covid-19 (24/07/2021)

>   Tổ chức xét nghiệm lưu động cho lái xe vận chuyển hàng hóa (24/07/2021)

>   Cảnh vắng lặng tại sân bay Tân Sơn Nhất (24/07/2021)

>   Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố tội danh thứ 3, liên quan đại án Nhật Cường (24/07/2021)

>   Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải đưa vào hoạt động năm 2022 (24/07/2021)

>   Đơn hàng dệt may có dấu hiệu rút khỏi Việt Nam (24/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật