IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 7%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 lên 7%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ đại dịch Covid-19 và kỳ vọng vào kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nếu dự báo mới nhất của IMF trở thành hiện thực, đồng nghĩa với mức tăng trưởng mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ năm 1984. Hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.6% trong năm nay.
Ngoài ra, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm 2022 lên 4.9%, cao hơn dự báo tăng 3.5% đưa ra hồi tháng 4.
IMF cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn gói đầu tư cơ sở hạ tầng và gói hỗ trợ gia đình-giáo dục mà ông Biden đưa ra, với giá trị và phạm vi không có khác biệt lớn so với những gì mà người đứng đầu Nhà Trắng đề xuất.
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho rằng hai gói chi tiêu trên sẽ hiện thực hoá nhiều đề xuất mà IMF đã đưa ra đối với Mỹ trong những năm qua, bao gồm đầu tư để tăng năng suất lao động, cải thiện giáo dục, và tạo điều kiện để có thêm nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động.
“Những gói chi tiêu này sẽ thúcẩy nhu cầu trong ngắn hạn, giúp GDP tăng thêm tổng cộng 5.25% trong thời gian từ 2022 đến 2024”, bà Georgieva nói trong một cuộc họp báo.
Theo người đứng đầu IMF, hai gói chi tiêu trên sẽ tạo ra sự cải thiện lâu dài về thu nhập và mức sống cho người Mỹ, có thể giúp GDP tăng thêm 1% thậm chí sau 10 năm.
Dự báo trên được IMF đưa ra sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ công bố dự báo lạc quan tương tự về kinh tế Mỹ năm nay. Tuy nhiên, khác với IMF, CBO không tính đến hai kế hoạch chi tiêu mà ông Biden đang đề xuất. Thay vào đó, CBO chỉ đưa ra dự báo dựa trên các đạo luật chi tiêu hiện tại, cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng 7.4% trong năm nay.
“Các chỉ báo cho thấy thị trường việc làm Mỹ còn phục hồi chậm. Điều này có thể giữ vai trò như một van an toàn đối với áp lực tăng tiền lương và giá cả”, tuyên bố của IMF có đoạn viết.
IMF cũng dự báo các kỳ vọng lạm phát của Mỹ sẽ được kiểm soát và có thể suy yếu trong những tháng sắp tới do những dịch chuyển lớn và tạm thời về giá cả. Theo đó, IMF cho rằng chỉ số lạm phát tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ có thể lập đỉnh tạm thời ở ngưỡng khoảng 4% trong năm nay rồi giảm xuống sau đó. Tháng 5 vừa qua, PCE tăng 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái.
IMF cho rằng Mỹ nên ưu tiên chi tiêu vào những chương trình có tác dụng lớn nhất trong việc cải thiện năng suất, tăng cường sự tham gia vào lực lượng lao động, giảm nghèo, và thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi năng lượng hoá thạch.
Theo IMF, Mỹ nên sử dụng chính sách thuế để phục vụ cho những mục tiêu này, bao gồm cắt giảm những khoản chi không hiệu quả bằng tiền thuế của dân, tăng thuế xăng dầu liên bang, và áp thêm các loại thuế carbon khác.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FILI
|