Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM: Gỡ 'vướng' vì dừng dịch vụ mang về
UBND TP.HCM yêu cầu sở, ngành, các địa phương chủ động nắm bắt tình hình và phục vụ người dân gặp khó khăn trong thời gian TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
TP.HCM tạm dừng dịch vụ bán hàng mang về. Ảnh: Vũ Phượng
|
Ngày 9.7, UBND TP.HCM có thông báo khẩn hướng dẫn gỡ vướng đối người người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng các dịch vụ mang về trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9.7, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Công thương có văn bản yêu cầu các hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family mart, Aeon, Vissan…) tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng cho người dân.
Đồng thời, phối hợp hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.
UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian cách xã hội theo Chỉ thị 16; thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời, thông qua các hình thức:
Hướng dẫn người dân mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thông qua các ứng dụng công nghệ.
Hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày bằng các hình thức phù hợp: tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên “đi chợ thay”; trực tiếp đặt hàng và giao trực tiếp cho người dân.
Chủ động cung cấp suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác.
TP.HCM triển khai áp dụng Chỉ thị 16 ra sao?
Bắt đầu từ hôm nay, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.
Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM chuyển sang phương thức làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Số lượng người làm việc tại công sở không quá 1/3 người lao động. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo quân số 100%, và các đơn vị đặc thù gửi Sở Nội vụ và do UBND quyết định.
Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Các dịch vụ ăn uống mang về, đại lý vé số và người bán vé số dạo trên địa bàn phải tạm ngưng
Chỉ thị 16 cũng yêu cầu dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp: cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Phan Thương
Thanh niên
|