FMC: Nhờ đâu doanh thu và lãi ròng quý 2 đồng loạt tăng trưởng?
Việc tăng giá nguyên liệu so với cùng kỳ và ghi nhận hiệu quả từ thu hoạch tôm tự nuôi đã góp phần đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC).
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021, FMC ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2,129 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thủy sản chiếm 97% tổng doanh thu, còn lại đến từ doanh thu bán hàng nông sản.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 30%, lên hơn 21 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá.
Trong kỳ, các chi phí đồng loạt tăng như chi phí tài chính tăng 22%, đạt gần 15 tỷ đồng, do chi phí lãi vay. Chí phí bán hàng tăng 29%, chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển và xuất hàng.
Bên cạnh đó, việc tăng thêm chi phí nhân viên làm cho chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 29%, lên hơn 36 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, FMC báo lãi ròng tăng 15%, đạt 106 tỷ đồng.
Nguyên liệu mua 6 tháng đầu năm đạt 13,634 tấn, thành phẩm chế biến đạt 10,423 tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 8,553 tấn. Về tình hình nuôi tôm, FMC cho biết đang trong giai đoạn thu hoạch, sẽ dứt điểm nửa cuối tháng 7, sau đó sẽ tiến hành thả nuôi vụ 2.
Trong năm 2021, FMC dự kiến đem về 250 tỷ đồng lãi trước thuế và 4,650 tỷ đồng doanh thu, đồng loạt tăng 5% so với thực hiện năm 2020. So với kế hoạch, FMC đã thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 45% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.
Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của FMC. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của FMC
|
Riêng trong quý 2, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 33%, lên gần 1,161 tỷ đồng và lãi ròng tăng 46%, đạt gần 76 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nhờ tăng giá nguyên liệu so với cùng kỳ và hiệu quả từ việc thu hoạch tôm tự nuôi đã góp phần đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của FMC.
Tại thời điểm 30/06/2021, tổng tài sản của FMC ghi nhận gần 2,524 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 60%, lên gần 972 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm chiếm 53%, hàng gửi đi bán chiếm 27%, nguyên vật liệu chiếm 11%, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 4%, ghi nhận hơn 35 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận khoản mục này).
Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 82.6 tỷ đồng, gấp 11.8 lần đầu năm. Trong đó, dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta ghi nhận hơn 18.4 tỷ đồng (gấp 5 lần đầu năm) và dự án Nhà máy Tam An hơn 61 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận khoản này).
Nợ phải trả tại thời điểm này cũng tăng 65%, lên mức 1,043 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn hơn 95 tỷ đồng (tăng 87%) và dư nợ vay ngắn hạn hơn 854 tỷ đồng (tăng 93%).
Tiên Tiên
FILI
|